Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần cơ chế đổi đất lấy hạ tầng

Trọng Ngôn| 05/09/2022 07:33

(HNM) - Hiện quỹ đất tại thành phố Hồ Chí Minh còn rất lớn, trong đó có nhiều diện tích đất nông nghiệp không khai thác hiệu quả. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư hạ tầng đô thị ở địa phương là rất lớn, nhưng ngân sách nhà nước còn hạn chế. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế đổi đất lấy hạ tầng theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và bối cảnh mới.

Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội được đầu tư theo hình thức BT góp phần giảm ách tắc giao thông cửa ngõ phía Đông thành phố Hồ Chí Minh.

Sử dụng các quỹ đất để thanh toán hợp đồng BT

Hiện thành phố Hồ Chí Minh đang rà soát quỹ đất để thực hiện Nghị định số 69/2019/NĐ-CP ngày 15-8-2019 của Chính phủ quy định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao. Thành phố cũng đang kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận các quỹ đất để thanh toán hợp đồng BT dự án Giải quyết ngập do triều khu vực thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) và dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - quốc lộ 1 (thành phố Thủ Đức).

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, thành phố đã chấp thuận về nguyên tắc chủ trương sử dụng 7 khu đất dự kiến thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư thực hiện 2 dự án trên; rà soát pháp lý việc thanh toán bằng quỹ đất hợp đồng BT một số dự án. “UBND thành phố đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận sử dụng 7 khu đất để thanh toán hợp đồng BT dự án. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, thành phố sẽ thực hiện thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường giao, thuê đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án, bảo đảm đúng hợp đồng đã ký kết và đúng quy định”, ông Võ Văn Hoan cho hay.

Nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, đặc biệt là giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh rất lớn. Trong những năm qua, thành phố đã huy động nguồn lực từ bên ngoài nhà nước đầu tư vào lĩnh vực này. Nhiều công trình hạ tầng được đầu tư theo hợp đồng BT đã góp phần thay đổi bộ mặt đô thị thành phố như cầu Phú Mỹ, cầu Sài Gòn 2, Đại lộ Phạm Văn Đồng, dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội… Hiện thành phố đang hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 và chuẩn bị thủ tục đầu tư xây dựng đường Vành đai 4. Theo các cơ quan chức năng, quỹ đất hai bên tuyến đường này có giá trị cao, nếu có cơ chế phù hợp sẽ giúp thành phố có thêm nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng.

Cần có cơ chế phù hợp với tình hình mới

Các dự án BT có những đóng góp nhất định vào sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông, môi trường, góp phần hình thành nhiều khu đô thị lớn. Tuy nhiên, cơ chế chỉ định thầu và đổi đất của các dự án BT đang có nhiều bất cập. Chuyên gia về thẩm định giá bất động sản Nguyễn Thế Phượng (nguyên giảng viên Trường Đại học Tài chính - Marketing) cho rằng, bản thân nhà đầu tư hạ tầng không phải là nhà kinh doanh bất động sản nên sẽ khó thu hút nhà đầu tư theo hình thức BT. Nếu ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng phải đồng thời là nhà kinh doanh bất động sản sẽ dẫn đến hạn chế nhà đầu tư tham gia BT (vì phải có hai năng lực) và buộc phải có cơ chế kiểm soát việc định giá đất, thẩm định chi phí hạ tầng.

“Điều này có thể tạo thêm thủ tục và thời gian. Do đó, khi kích hoạt lại hình thức đổi đất lấy hạ tầng, Trung ương phải xây dựng cơ chế đặc thù cho hình thức đối tác công - tư (hợp đồng BT) theo hướng trao thêm thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh, thành phố”, ông Nguyễn Thế Phượng nhận định. Cũng theo ông Nguyễn Thế Phượng, vấn đề cơ bản là tính đúng giá đất và chi phí hạ tầng để thực hiện hợp đồng BT.

Còn PGS.TS Nguyễn Văn Trình, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để thu hút được các nhà đầu tư tham gia xây dựng hạ tầng đô thị, thành phố Hồ Chí Minh nên tận dụng quỹ đất dọc các tuyến đường quy hoạch xây dựng, thực hiện theo hình thức hợp đồng BT. “Việc tận dụng chính quỹ đất dọc các tuyến đường giúp thành phố Hồ Chí Minh không phải tìm quỹ đất khu vực khác, mà nhà đầu tư cũng được lợi. Nếu quỹ đất được định giá cao, nhà đầu tư có thể bỏ chi phí giải phóng mặt bằng, tiết kiệm được ngân sách nhà nước”, PGS.TS Nguyễn Văn Trình cho hay.

Tại cuộc họp mới đây với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố Hồ Chí Minh có những nhiệm vụ mang tính dài hạn, cần nhiều thời gian và sự phối hợp với các bộ, ngành trung ương để thực hiện; một số nhiệm vụ còn chậm tiến độ do việc phối hợp hạn chế; một số nhiệm vụ chưa thể triển khai do quy định pháp luật liên quan chưa được ban hành. Qua đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị được phân cấp, phân quyền mạnh hơn, nhất là lĩnh vực đầu tư công để thành phố có động lực phát triển nhanh, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần cơ chế đổi đất lấy hạ tầng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.