Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần cơ chế đặc thù về bộ máy hành chính

Hà Phong| 29/04/2017 07:53

(HNM) - Hai năm gần đây, TP Hà Nội tập trung đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả trên tinh thần “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả). Nhờ đó, nhiều đơn vị đã tạo chuyển biến tích cực trên các mặt công tác.


Tinh giản bộ máy

Theo Sở Nội vụ Hà Nội, thực hiện chủ trương, chính sách của Trung ương về tinh giản bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thành phố đã ban hành nhiều quy định về phân cấp công việc, giao chỉ tiêu số lượng người làm việc trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý theo hướng thuận lợi, chặt chẽ hơn.

Với một Thủ đô ngày càng phát triển, đòi hỏi bộ máy chính quyền phải đủ mạnh để quản lý trật tự đô thị, an sinh xã hội ngày càng tốt hơn. Ảnh: Thái Hiền



Hiện tại, đơn vị sự nghiệp khối quận, huyện giảm rất lớn, từ 169 đơn vị còn 66 đơn vị. Trong đó, các quận, huyện đã hoàn thành việc sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Kỹ thuật - Tổng hợp hướng nghiệp, Trung tâm Dạy nghề thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; sáp nhập Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Thể thao và Đài Truyền thanh huyện thành Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao; sáp nhập Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp và các ban quản lý dự án cùng địa bàn thành một Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện. Về cơ cấu cán bộ cấp phường, xã, thành phố khuyến khích tăng phụ cấp các chức danh kiêm nhiệm; trả lương hưu trí, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua bưu điện giúp giảm nhân lực.

Các đơn vị sau khi được kiện toàn đã tập trung mạnh vào triển khai thực hiện xây dựng, hoàn thiện quy chế làm việc; quy trình giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; phấn đấu đến năm 2020 cung cấp từ 70 đến 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại tất cả các sở, ban, ngành, cấp huyện và cấp xã theo Chương trình số 08-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội đề ra. Tuy nhiên, với những địa bàn đông dân cư, trong khi số lượng biên chế không lớn hơn so với các địa phương khác đã tạo áp lực lớn về công tác quản lý, giải quyết thủ tục hành chính cho các cơ quan.

Giảm biên chế đúng nơi cần giảm

Đó là kiến nghị của Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Thu Hà. Theo bà Vũ Thu Hà, Long Biên có địa bàn rộng, dân cư đông, khối lượng công việc của các cơ quan hành chính ngày một tăng, trong khi số biên chế của quận cũng chỉ như nhiều địa phương khác nên gây sức ép rất lớn cho cán bộ, công chức chuyên môn ở lĩnh vực tài nguyên môi trường, đô thị.

Tại huyện Đông Anh, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo do Chủ tịch UBND huyện trực tiếp phụ trách. Qua rà soát thực tế, UBND huyện đã giảm từ 13 tổ chức hành chính trực thuộc (năm 2011) còn 12 tổ chức vào cuối năm 2013; đề nghị và được UBND thành phố chấp thuận cho nghỉ theo chính sách tinh giản biên chế 3 trường hợp, hiện đang xem xét với 6 trường hợp khác. Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo UBND huyện Đông Anh và một số xã, thị trấn đều cho rằng, việc hợp nhất các chức danh không chuyên trách tại thôn, xóm khó thực hiện vì phụ cấp kiêm nhiệm thấp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Thu nhập thấp cũng là nguyên nhân một bộ phận cán bộ không chuyên trách chưa thực sự toàn tâm toàn ý với công việc được giao, không có ý định gắn bó lâu dài với công việc... Điều này đã tác động không nhỏ đến công tác quản lý, điều hành của địa phương.

Với huyện Chương Mỹ lại gặp khó khăn khác. Chủ tịch UBND huyện Đinh Mạnh Hùng cho rằng, những năm qua, thành phố đã phân cấp mạnh cho chính quyền cấp cơ sở chủ động giải quyết một số công việc. Tuy nhiên, trong lĩnh vực y tế vẫn còn vướng mắc. Cụ thể, theo quy định hiện hành, Trung tâm Y tế huyện trực thuộc Sở Y tế nên UBND huyện không có nhiều quyền hạn đối với đơn vị này. Kể cả khi thấy nhu cầu nâng cấp cơ sở hạ tầng cho Trung tâm Y tế huyện, thì UBND huyện cũng không có cơ sở pháp lý thực hiện. Trong khi đó, Sở Y tế cũng quá tải khi tiếp nhận quản lý các Trung tâm Y tế huyện của toàn thành phố. Do đó, ông Đinh Mạnh Hùng đề xuất, nên giao cho huyện quản lý Trung tâm Y tế, nhằm thu gọn đầu mối.

Từ thực tế trên có thể thấy, công tác sắp xếp, kiện toàn bộ máy vẫn còn nhiều việc phải tiếp tục làm. Trong bối cảnh này, xác định vị trí việc làm là một trong những giải pháp Hà Nội đang triển khai nhằm định biên số cán bộ, công chức, viên chức cần thiết của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị. Song để làm được điều đó, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng khẳng định, Hà Nội rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan trung ương. Bởi hiện nay, việc triển khai phụ thuộc vào hướng dẫn của bộ chuyên ngành. Chưa kể, tổ chức các phòng, ban, cơ quan chuyên môn UBND quận, huyện nhìn chung không khác với các địa phương khác, vì đều phải tuân thủ theo Nghị định 24/2010/NĐ-CP ngày 15-3-2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định 37/2014/NĐ-CP ngày 5-5-2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, dù nhu cầu về bộ máy và cán bộ của Thủ đô cao hơn. Đây cũng là bất cập cần được điều chỉnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần cơ chế đặc thù về bộ máy hành chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.