Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần có cách ứng xử hài hòa để đáp ứng nhu cầu bảo tồn và phát triển

Vương Tuấn Anh| 11/01/2015 06:09

(HNM) - Thủ đô Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế mà còn là một trung tâm văn hóa lớn, vùng đất "địa linh nhân kiệt" với hàng nghìn năm văn hiến. Do phải trải qua nhiều biến cố lịch sử thăng trầm nên đô thị Thủ đô phát triển chưa đồng bộ.



Trong thời gian qua, mặc dù lãnh đạo Hà Nội đã có nhiều nỗ lực nhằm xây dựng thành phố văn minh, hiện đại nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm; đặc biệt là vấn đề quy hoạch phát triển đô thị, cân đối hài hòa giữa nhu cầu bảo tồn và phát triển. Xung quanh vấn đề này, Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với GS.TS, Kiến trúc sư Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch danh dự Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.

GS.TS, Kiến trúc sư Nguyễn Thế Bá.

Bộ mặt mới, thách thức mới

- Thưa GS.TS, ông có thể nhận xét gì về thực trạng quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội hiện nay?

- Có thể nói, chưa có đô thị nào lại làm quy hoạch nhiều như Hà Nội. Điều này thể hiện sự cố gắng của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo TP Hà Nội, sự giúp đỡ của các chuyên gia trong nước, nước ngoài và nhân dân Thủ đô. Tuy nhiên, quy hoạch trước đây được sự giúp đỡ của nước ngoài hơi thiên về duy ý chí nên có những sai lầm. Đến nay, chúng ta có quy hoạch nhưng nếu để tồn tại việc phát triển tự phát thì cũng là sai lầm. Tốc độ phát triển đô thị của Hà Nội những năm vừa qua rất nhanh, song xét dưới góc độ quy hoạch thì vẫn chưa có đường nét, hình hài của một thành phố xứng tầm. Phát triển đô thị mới chỉ theo chiều rộng chứ chưa có chiều sâu. Bức tranh đô thị Hà Nội hiện nay ở nhiều nơi còn rơi vào tình trạng chắp vá, nhiều khu đô thị mới xây dựng quá xa nơi làm việc nên không có người ở. Có những thời điểm, chúng ta làm khá mạnh nhưng quá nhanh trong việc phân đất, tổ chức sản xuất và xây dựng dẫn đến khó kiểm soát về quy hoạch…

- Sở dĩ đô thị Hà Nội còn chưa được tươm tất bởi chúng ta đã có nhiều lần thay đổi quy hoạch do hoàn cảnh lịch sử?

- Trước đây, chúng ta đã có quy hoạch do Liên Xô (cũ) làm giúp từ những năm 60 của thế kỷ XX nhưng do chúng ta hơi cứng nhắc, dập khuôn ngay từ đầu về quan điểm xây dựng thành phố xã hội chủ nghĩa nên có sai lầm trong phát triển đô thị. Quy hoạch của Hà Nội cũ về trình tự là tốt, ý tưởng và cách làm không sai nhưng làm trên cơ sở nào thì họ không nắm sát nhu cầu thực mà ta lại không có người làm được. Sau đó, qua mấy lần điều chỉnh địa giới hành chính, có lúc Hà Nội mở rộng đến tận Ba Vì xong lại thu hẹp, rồi mở rộng từ tháng 8-2008 như hiện nay nên quy hoạch Thủ đô luôn có sự biến đổi.

- Hà Nội hiện đã mở rộng diện tích, là một trong 17 thành phố lớn nhất thế giới nên rất thuận lợi để quy hoạch phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại?

- Việc mở rộng Thủ đô mới chỉ là quyết định hành chính. Mở rộng đất đai thì dễ nhưng xây dựng cơ sở vật chất cho đô thị Hà Nội mới là việc khó. Hà Nội hiện nay là thành phố mới chỉ rộng về diện tích đất, trong khi công trình kiến trúc, cơ sở hạ tầng… chưa tương xứng và còn tản mạn. Với bản quy hoạch Hà Nội sau khi hợp nhất, ngay từ đầu chúng ta đã làm khá cẩn thận và tôi cho rằng đây là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, TP Hà Nội và ngành xây dựng nhưng quy hoạch sửa đổi này cũng chưa hẳn là cái đã hoàn thiện. Có nhiều ý tưởng rất hay nhưng khó thực hiện trong thực tế. Tóm lại là có khá nhiều thách thức. Vì vậy, cần có chiến lược khả thi, tính toán thông minh sáng suốt, và đặc biệt là không tổ chức thực hiện nghiêm quy hoạch thì khó có thể hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.

- Giáo sư có thể nói rõ những thách thức trong quy hoạch phát triển đô thị Thủ đô hiện nay?

- Thủ đô Hà Nội là một trong hai đô thị lớn nhất Việt Nam, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước. Do vậy, công tác quy hoạch đòi hỏi phải có tầm nhìn, phải nghiên cứu kỹ để có một quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị hợp lý. Cái khó nhất của Hà Nội hiện nay là phải cải tạo khu phố cũ và xây dựng khu dân cư thành thị mới trên nền đất mở rộng. Quy hoạch đô thị là vấn đề lớn không thể là sự “hoạch” và sự “định” đơn thuần. Quy hoạch chỉ thật sự có tác dụng và có sức sống khi nó xuất phát từ những yếu tố “mềm” như sự điều tiết và điều hòa, nối kết và hòa đồng những yếu tố lịch sử và văn hóa đô thị.

Cần cuộc “đại mỹ viện” đô thị

- Vậy theo ông, Hà Nội cần phải làm gì để hướng tới mục tiêu văn minh, hiện đại?

- Tôi cho rằng, về nội dung và hình thức không phải chúng ta bỏ quên mà muốn giữ những cái đẹp, cái tốt, cái hiện đại. Đó là đi đúng nhưng có điều là chỗ nào nên làm cái gì, chỗ ấy cho ai thì đấy chính là quy hoạch. Vì vậy, chúng ta nên tính toán cái gì chưa cần và cái gì phải giữ lại; cái gì làm trước, cái gì làm sau; phải biết sử dụng cái gì ở mức độ nào cho hợp lý. Phát triển đô thị trước tiên là phải phục vụ con người và sản xuất, con người ở đấy phải có việc làm chứ không đơn thuần chỉ là khu để nghỉ ngơi. Việc cần làm trước tiên là tạo ra của cải vật chất ví dụ như những dự án về phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên, con người… Những vấn đề này chi phối rất lớn trong quy hoạch. Cái khó cho công tác quy hoạch là phải đánh giá đúng hiện trạng về đất đai và con người. Người làm quy hoạch trước tiên phải biết làm thế nào để hài hòa giữa lao động sản xuất, nghỉ ngơi của người ở cho hôm nay và mai sau.


- Chúng ta phải có định hướng đầu tư như thế nào, thưa ông?

- Xây dựng đô thị không chỉ cho Nhà nước, cho thành phố mà còn là nơi ở của người dân, bảo đảm được cuộc sống lâu dài của họ nên cần phải đẹp và hài hòa về hình thức. Có nghĩa phải đủ mọi yếu tố về kinh tế, xã hội, nghệ thuật và truyền thống của đô thị ấy. Và điều quan trọng nữa là chúng ta phải làm có trình tự bởi không thể có đủ điều kiện để làm cùng một lúc tất cả được. Tôi cho rằng, nhất thiết chúng ta phải đầu tư cho Hà Nội một cách đồng bộ cả về cơ sở hạ tầng lẫn kiến trúc đô thị, không thể để một thành phố phát triển tự phát. Chúng ta phải xây dựng sơ đồ kiến trúc hoàn thiện, hiện đại và phải có những quyết định quyết liệt để tạo ra đô thị không bị chắp vá. Thủ đô phải có những đại lộ, những quảng trường, khu phố và những công trình tiêu biểu là bộ mặt cho thành phố như chúng ta đã định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

- Những việc trước mắt cần phải làm đối với Thủ đô là gì?

- Hiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đòi hỏi phải thực hiện nghiêm. Chúng ta nên ngồi với nhau để thống nhất các bước triển khai một cách khoa học, làm đến đâu chắc đến đấy. Thực hiện quy hoạch phát triển Thủ đô kể cả dưới lòng đất, hay trên cao phải được phân công, phân cấp rõ ràng; từ hệ thống hạ tầng xã hội đến hạ tầng kỹ thuật và những vấn đề kiến trúc phải được quản lý chặt chẽ. Trước mắt rất cần có một cuộc “đại mỹ viện” cho đô thị Hà Nội, có phong trào làm đẹp mặt phố, mẫu hình nhà đẹp, phố đẹp, đời sống văn minh sạch sẽ… Đô thị là tài sản chung nên không thể phân vùng để giao tài sản đất đai như một món hàng.

Cân đối hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

- Trải qua những biến thiên, thăng trầm của lịch sử, Thăng Long - Hà Nội vẫn gìn giữ trong mình những di sản lớn, là nơi kết tinh, hội tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của cả dân tộc. Vậy trong quá trình chỉnh trang bộ mặt đô thị cần phải tính đến yếu tố bảo tồn di sản như thế nào, thưa GS.TS?

- Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa không thể tách rời với việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội mà phải cùng bổ sung, bồi đắp cho nhau để di sản được bảo tồn, phát huy và kinh tế phát triển bền vững, cùng hướng tới mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nếu chúng ta chỉ đặt vấn đề bảo tồn tách ra khỏi sự phát triển thì vô hình trung đã làm thắt lại dòng chảy tự nhiên của cuộc sống đô thị. Cho nên, ngoài việc giữ lại những giá trị lịch sử, văn hóa của đô thị cổ thì cần phải mở đường để nó hòa nhập với cuộc sống hôm nay; cần phải tính tới một sự bảo tồn có điều tiết. Sự điều tiết đó đã được hình thành giữa bảo tồn và phát triển mà xen giữa là cải tạo. Cải tạo đóng vai trò cầu nối để bảo tồn giá trị cũ và thích ứng với cuộc sống mới. Nếu bảo tồn mà không phát triển là trái với quy luật tự nhiên.

- Như vậy, trong quá trình quy hoạch bảo tồn di sản phải bảo đảm quyền lợi của người dân, giải bài toán cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, đưa ra kế hoạch, chủ trương có tính khả thi cao?

- Đúng vậy. Chúng ta phải xác định cho được danh sách những di sản văn hóa vật thể tinh hoa trên các cơ sở như: Giá trị kiệt xuất, tiêu biểu, độc đáo; có khả năng thực tế để bảo tồn, trùng tu; có thể bảo đảm việc bảo tồn, trùng tu tôn tạo một cách bài bản khoa học. Danh sách ấy phải được tinh gọn và phải nhìn vào những khả năng thực tế để tập trung chăm lo cho những di sản xứng đáng được bảo tồn. Bên cạnh đó là cần có cách “ứng xử khả thi” trong bảo tồn, nghĩa là phải có chính sách đi từ thực tế để có sự cộng sinh hài hòa giữa nhu cầu bảo tồn và việc phát triển, chứ không thể áp đặt một cách khiên cưỡng, máy móc.

- Theo GS.TS, trách nhiệm của việc bảo tồn và phát triển đô thị thuộc về ai?

- Một nguyên tắc quan trọng trong bảo tồn di sản văn hóa là khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan. Các giá trị văn hóa và di sản được hình thành trong cộng đồng dân cư; hay điểm dân cư đô thị cũng không phải của riêng ai. Do đó, trách nhiệm bảo tồn và phát triển đô thị là trách nhiệm của mỗi người dân. Mọi người phải thấy được niềm tự hào khi ngôi nhà của chính mình cho đến từng ngõ phố, con đường và cả đô thị của chúng ta đều văn minh, sạch đẹp... Từ người thiết kế đến người sử dụng và quản lý đô thị đều phải đồng lòng thực hiện quy hoạch. Người làm quy hoạch có trách nhiệm làm cân bằng các hoạt động ở đô thị; còn đối với chính quyền, nhất là người đứng đầu chính quyền địa phương có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao ý thức của người dân đối với công tác bảo tồn và phát triển đô thị. Việc phân công trách nhiệm cho mỗi người và chế tài xử lý khi vi phạm cần phải rõ ràng, đủ sức răn đe.

- Trân trọng cảm ơn GS.TS về những nội dung trao đổi!
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần có cách ứng xử hài hòa để đáp ứng nhu cầu bảo tồn và phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.