(HNM) - Tại hội thảo "Vai trò của Quốc hội trong phòng chống tham nhũng" vừa được Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội (QH) tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng để công tác này đạt hiệu quả và đi vào thực chất, đã đến lúc cần chuyển trọng tâm sang chống tham nhũng chứ không thể cứ coi trọng các giải pháp"phòng" như hiện nay, trong đó vai trò của QH và các đại biểu QH là cực kỳ quan trọng.
Báo cáo tại hội thảo cho thấy, trong 5 năm (2007-2011) cả nước đã khởi tố 1.458 vụ án về tham nhũng với 3.151 bị can, thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 1.061,6 tỷ đồng và 218,8 ha đất. Đã có 678 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Còn theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch quốc tế, Việt Nam đứng thứ 112 trong bảng xếp hạng toàn cầu về tham nhũng. Không phủ nhận những kết quả phòng chống tham nhũng đạt được trong những năm gần đây, song những con số trên đã khiến không ít người băn khoăn, lo ngại về tình hình tham nhũng cũng như tính hiệu quả của các giải pháp phòng, chống tham nhũng đang được áp dụng. Đã đến lúc cần phải sử dụng các biện pháp toàn diện để chống tham nhũng, trong đó vai trò giám sát của QH cần được đặc biệt quan tâm.
Để làm được điều này, trước tiên QH và từng đại biểu QH cần tăng cường các hoạt động giám sát nhằm phát hiện, đấu tranh ngăn ngừa tệ nạn tham nhũng và phải coi đây là một hoạt động thường xuyên, chủ động, có kế hoạch cụ thể. Các đại biểu QH thực hiện quyền giám sát của QH thông qua hoạt động chất vấn, đồng thời có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang trả lời những vấn đề mà đại biểu quan tâm. Tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có chức năng chuyên trách phòng, chống tham nhũng với các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát phát hiện, đấu tranh phòng ngừa tham nhũng. Ông Hà Công Long, Phó trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ QH) cho rằng, việc giữ mối quan hệ với cử tri và các tổ chức chính trị xã hội cũng là một kênh quan trọng góp phần nâng cao vai trò phát hiện tham nhũng của các đại biểu Quốc hội.
Với vai trò lập pháp, QH giữ trọng trách rất lớn trong việc hoàn thiện pháp luật, góp phần làm kín các kẽ hở của pháp luật hiện nay, không để tham nhũng có cơ hội hoành hành và phát triển. Để nâng cao vai trò QH trong mặt trận đầy cam go này, nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội cần sớm nâng cao chất lượng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng quyết định, phê chuẩn và giám sát ngân sách, quyết định các chương trình, dự án quan trọng của quốc gia. Các quyết định của QH về kinh tế, tài chính, về ngân sách và chính sách tài khóa phải thực chất, đồng thời xây dựng các thiết chế hỗ trợ phòng chống tham nhũng, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quyết định của mình.
Mặt khác, Luật Hoạt động giám sát của QH quy định chế tài của giám sát tối cao là bỏ phiếu tín nhiệm đối với các cá nhân được QH bầu, phê chuẩn và thành lập ủy ban điều tra lâm thời để điều tra về một vấn đề cần thiết. Xét về phương diện đấu tranh phòng, chống tham nhũng đây là một công cụ hiệu quả nhưng đáng tiếc đã hơn 10 năm trôi qua nhưng các chế tài này chưa được áp dụng vì nhiều lý do khác nhau. Theo kế hoạch, quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm và việc xử lý kết quả bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được QH xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm nay. Hy vọng rằng khi được thông qua đây sẽ là một cơ sở pháp lý hữu hiệu giúp các đại biểu trong hoạt động giám sát, phòng chống tham nhũng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.