Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, thảo luận tại tổ về Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ chiều 19-6, các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay.
Rõ trách nhiệm của lực lượng tham gia PCCC
Thảo luận tại tổ, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Đoàn Hà Nội) bày tỏ sự nhất trí cao với việc ban hành Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ nhằm luật hóa những quy định hiện hành. Đồng thời, bổ sung quy định đầy đủ, toàn diện về hoạt động cứu nạn, cứu hộ mà lực lượng PCCC và cứu nạn, cứu hộ đang được giao đảm nhiệm nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để nâng cao hiệu quả công tác này trong thực tiễn.
Góp ý trực tiếp vào Điều 3 dự thảo Luật về giải thích từ ngữ, đại biểu Thích Bảo Nghiêm cho rằng, cơ quan soạn thảo cần đưa ra khái niệm đúng và chính xác hơn về “cứu nạn, cứu hộ”, bởi trong thực tế có nhiều sự cố tai nạn, cháy nổ bất ngờ xảy ra, để từ đó có các biện pháp PCCC hiệu quả.
Đối với Điều 13 của dự thảo Luật đề cập về quy hoạch xây dựng, lập dự án, thiết kế xây dựng công trình, thiết kế phương tiện giao thông cơ giới, đại biểu Thích Bảo Nghiêm đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ thực tế hiện nay để áp dụng cho phù hợp với yêu cầu của công tác PCCC.
Thảo luận về Điều 38 quy định về trách nhiệm cứu nạn, cứu hộ, đại biểu Khuất Việt Dũng (Đoàn Hà Nội) cho rằng, các nội dung liên quan đến PCCC được quy định trong dự thảo Luật khá cụ thể, song các quy định về cứu hộ, cứu nạn còn khá chung chung. Trong đó, việc bố trí nhiệm vụ của các lực lượng cứu hộ, cứu nạn của các lực lượng nói chung, lực lượng PCCC của công an nói riêng cần có quy định cụ thể hơn để rõ trách nhiệm khi tham gia PCCC.
Phòng cháy quan trọng hơn chữa cháy
Đồng tình với các đại biểu về sự cần thiết ban hành Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) cho rằng: "Thực tế chúng ta mới xây dựng các quy định về biện pháp chữa cháy, còn các quy định về phòng cháy như thế nào cho hiệu quả còn chung chung, chưa cụ thể". Đại biểu dẫn ví dụ các vụ cháy gây chết nhiều người tại các quận: Thanh Xuân, Cầu Giấy và Hoàng Mai vừa qua cho thấy, việc “phòng cháy quan trọng hơn chữa cháy” và “phòng cháy phải tốt hơn chữa cháy”.
Trong dự thảo Luật, Điều 8 quy định MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân thực hiện pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; vận động, giám sát, phản biện xã hội việc thực hiện pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ giải quyết hậu quả sau các vụ cháy, sự cố, tai nạn.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính, công tác PCCC cũng như tuyên truyền về PCCC đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và trách nhiệm mỗi người dân, mỗi gia đình chứ không riêng gì MTTQ. Cả hệ thống chính trị cần vào cuộc để tuyên truyền, chung tay thì công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ mới hiệu quả được.
Thảo luận về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 11), đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) đề nghị bổ sung một khoản quy định hành vi “cấm sản xuất, buôn bán thiết bị PCCC giả, kém chất lượng”. Vì thực tiễn hiện bình chữa cháy giả, kém chất lượng có mức giá khá hấp dẫn trên thị trường; hay như cột chữa cháy xây dựng lên nhưng không cơ quan nào kiểm tra dẫn đến không có nước, không hoạt động được. Điều này rất nguy hiểm nếu xảy ra cháy nổ, nên phải đưa nội dung này vào điều cấm.
Về quy hoạch xây dựng, lập dự án, thiết kế xây dựng công trình, thiết kế phương tiện giao thông cơ giới (Điều 13), đại biểu Dương Văn Phước cho biết, thời gian qua, việc Bộ Công an điều chỉnh quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC đã gây khó khăn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các công trình xây dựng đến giai đoạn nghiệm thu đưa vào sử dụng cũng vướng những quy định này…
Do đó, dự thảo Luật lần này quy định tại Điều 14 một khoản “Khi lập, điều chỉnh quy hoạch các khu dân cư, khu - cụm công nghiệp, thiết kế xây dựng mới, phương tiện giao thông cơ giới thì phải có giải pháp, thiết kế phòng cháy, chữa cháy…” theo đại biểu là hết sức cần thiết.
Đại biểu đề nghị dự thảo Luật phải quy định hết sức cụ thể, mang tính ổn định lâu dài, hạn chế thay đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân chịu sự tác động, bảo đảm cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.
Đưa ra dẫn chứng trong thời gian qua khá nhiều vụ cháy liên quan đến nhà ở kết hợp kinh doanh gây thiệt hại lớn và đây là vấn đề hết sức trăn trở, đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An) cho rằng, nhiều công trình nhà ở kết hợp với dịch vụ khi chuyển đổi công năng không đảm bảo yêu cầu PCCC và việc khắc phục rất khó khăn. Ngay cả các khách sạn, quán karaoke phải dừng hoạt động để khắc phục.
Đại biểu đề nghị phải có giải pháp ngăn cháy giữa khu vực để ở và khu vực kinh doanh. Vì thế, cần nghiên cứu và tách thành điều khoản riêng quy định về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh.
“Cần làm rõ nhà ở nào có thể được kết hợp kinh doanh, dịch vụ kinh doanh là dịch vụ nào có thể được kết hợp với nhà ở, dịch vụ nào không thể kết hợp. Đồng thời khu dân cư nào được bố trí nhà ở kết hợp kinh doanh và khu dân cư nào không thể bố trí được. Như thế mới góp phần phòng ngừa xảy ra cháy ở các nhà ở và khu dân cư”, đại biểu Thái Thị An Chung nói và cho rằng cần quy định mỗi gia đình phải có thiết bị căn bản về PCCC như bình cứu hỏa để khi xảy ra cháy thì có thể dập tắt cháy ngay từ ban đầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.