Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, những ngày qua, các lực lượng chức năng quận Cầu Giấy đã đồng loạt tiến hành cao điểm kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các cơ sở, nhà trọ cho thuê, khu nhà ở nhiều căn hộ trên địa bàn.
Diễn biến thực tế cho thấy, công tác quản lý, bảo đảm an toàn PCCC vẫn là một thách thức, gặp nhiều khó khăn. Nhiều tồn tại đã được "chỉ mặt điểm tên".
"Chỉ mặt, điểm tên" những nơi không bảo đảm an toàn PCCC
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, đến nay, nhiều tòa nhà văn phòng hỗn hợp, hộ kinh doanh trên địa bàn quận Cầu Giấy vẫn nhộn nhịp người ra vào như chưa hề có lệnh đình chỉ và tạm đình chỉ hoạt động trước đó của UBND quận.
Chung cư cảnh sát 113 (phường Yên Hòa), Tràng An Complex (phường Nghĩa Đô) là hai trong những địa chỉ không đảm bảo các điều kiện về PCCC, bị tạm đình chỉ, đình chỉ, yêu cầu dừng hoạt động nhưng đến nay, người ra, vào vẫn tấp nập.
Tương tự, tòa nhà hỗn hợp AZ Lâm Viên Complex (phường Dịch Vọng Hậu) cũng nằm trong danh sách bị đình chỉ. Tuy nhiên, thực tế tại tòa nhà kết hợp văn phòng và chung cư này, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường.
Quay trở lại ngõ 119 phố Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) - lối vào căn nhà trọ kết hợp kinh doanh bị cháy khiến 14 người tử vong, có nhiều dãy trọ chật chội, đông đúc người sinh sống và được quây kín bởi hàng rào kiên cố bằng thép, lồng sắt. Hàng loạt căn nhà trọ, được xây dựng san sát nhau, rất nhiều nhà không có lối thoát hiểm thứ 2. Điều này ảnh hưởng đến khả năng và hiệu quả chữa cháy, gián tiếp làm tăng mức độ thiệt hại.
Tương tự, tại phường Yên Hòa, nơi có mật độ dân cư đông đúc, ngõ 217 Yên Hòa, 113 Yên Hòa, số nhà 12 ngõ 104 phố Hạ Yên Quyết, ngách 105/51 Yên Hòa, đường đi vào sâu hun hút, nhiều đoạn nằm kẹp giữa hai bên dãy nhà cao 5, 6 tầng xây dựng để cho thuê trọ. Đáng lưu ý, dù vụ cháy làm 14 người chết ở Hà Nội là lời cảnh báo về nguy cơ hỏa hoạn và việc PCCC tại các ngõ nhỏ, phố nhỏ ở quận Cầu Giấy, song, tại số nhà 12 ngõ 104 phố Hạ Yên Quyết; ngách 105/51 Yên Hòa, nhiều năm nay, người thuê trọ rất đông đúc, vị trí thuê được quây kín bởi hàng rào kiên cố. Đặc biệt, tại ngách 105/51, có những đoạn đường nhà nhà đua ban công, lồng sắt ra ngoài, 2 nhà đối diện ban công cách nhau chỉ khoảng 20-50 cm. Nếu xảy ra cháy, quá trình tiếp cận hiện trường của lực lượng PCCC chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Còn tại ngõ 100 Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, khu vực đất đầu tư xây dựng dự án chậm triển khai, hàng loạt dãy lán nhà trọ, nhà ở kết hợp kinh doanh nhôm kính, thu mua đồng nát mọc lên trái phép. Nhìn bề ngoài kín mít như hộp diêm là thực tế rất đáng lo, bởi nếu có hỏa hoạn thì hậu quả khôn lường.
Theo phản ánh của người dân, các dãy nhà này mọc lên đã nhiều năm nay, với mức độ ngày càng nhiều, giá thuê chỉ trên dưới 1 triệu đồng/căn/tháng nên rất hút khách hàng là công nhân, lao động. Điều lạ là qua nhiều lần ra quân của cấp cơ sở, vẫn không thấy giải tỏa. Cách đó khoảng 300 mét, tại số 5 ngõ 100 Trung Kính cũng là dãy nhà quây kín mít bởi những khung sắt, đang được sử dụng làm nơi thuê, kinh doanh hoa quả ở tầng 1. Chỉ bằng quan sát, phóng viên phát hiện chỗ này không có lối thoát hiểm thứ 2, không gian sinh hoạt bị tận dụng triệt để.
Một thực tế bất cập nữa, với phương châm “chủ động, không chủ quan”, nhiều điểm chữa cháy công cộng trên địa bàn phường Yên Hòa đã được thành lập mục đích có thể xử lý ban đầu khi có hỏa hoạn xảy ra. Song tại ngõ 105 Yên Hòa, nhiều ngày nay, điểm chữa cháy chỉ là 1 hộp rỗng, không hề có bình chữa cháy và các công cụ cần thiết khác.
Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"
Lý giải về hiện tượng điểm chữa cháy rỗng công cụ chữa cháy, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch UBND phường Yên Hòa cho hay, đó là do khi để các phương tiện chữa cháy ở các khu vực công cộng hay xảy ra mất trộm. Vì vậy, phường phải cất vào nhà họp tổ dân phố ở gần đó.
Về các điểm cho thuê trọ, mất an toàn cháy nổ, lãnh đạo công an phường Yên Hòa cho hay, tại điểm thuê thuộc ngách 105/51; ngõ 113 Yên Hòa, lực lượng chức năng đã kiểm tra nhắc nhở, nhưng việc khắc phục còn hạn chế. Trong thời gian tới, UBND phường sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng ra quyết định xử lý.
Tại phường Quan Hoa - địa bàn có 574 cơ sở cho thuê trọ, Phó Chủ tịch UBND phường Quan Hoa Nguyễn Thị Nguyệt Ánh cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND quận, phường đã thành lập 2 tổ kiểm tra việc chấp hành các quy định về PCCC đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê để ở trên địa bàn phường, đặc biệt lưu ý đến khu vực gần trường học, có nhiều điểm thuê trọ như đường Nguyễn Khánh Toàn. Đến nay, nhiều chủ căn hộ đã tự nguyện mua thang dây, trổ cửa mở thêm lối thoát nạn.
Tương tự, tại các phường Mai Dịch, Trung Hòa, Yên Hòa đã thành lập các đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định về phòng, chống cháy nổ tại các cơ sở cho thuê, nhà ở nhiều căn hộ trên địa bàn phường. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng các phường yêu cầu chủ cơ sở thực hiện ngay các giải pháp trước mắt như: Mở lối thoát nạn khẩn cấp thứ hai; có giải pháp ngăn cách khu vực để xe, khu vực có nguy cơ cháy nổ cao với khu vực ở và lối thoát nạn, nếu không đảm bảo diện tích thì phải có phương án gửi xe bên ngoài nhà trọ. Cùng với đó, trang bị các phương tiện, thiết bị PCCC, công cụ phá dỡ phù hợp… nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Theo thống kê, sau tổng kiểm tra, rà soát việc chấp hành pháp luật đối với toàn bộ cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên địa bàn, quận Cầu Giấy có trên 3.300 cơ sở cho thuê trọ, tăng 213 so với năm 2023. Trong đó, phường Mai Dịch có số nhà trọ lớn nhất với 934 cơ sở, tiếp đến là phường Trung Hòa (nơi xảy ra vụ cháy làm 14 người tử vong) có 638 cơ sở, phường Quan Hoa có 598 cơ sở, phường Yên Hòa 353 cơ sở, phường Dịch Vọng 333 cơ sở, phường Dịch Vọng Hậu 275 cơ sở, phường Nghĩa Đô 137 cơ sở và phường Nghĩa Tân 60 cơ sở.
Có hơn 1.800 cơ sở chỉ cho thuê trọ, khoảng 1.500 là nhà ở kết hợp kinh doanh thuê trọ, 3 cơ sở là nhà ở riêng lẻ cho một hộ gia đình thuê và sử dụng cả nhà. Trong hơn 3.300 nhà trọ trên, chỉ có 153 nhà đăng ký kinh doanh thuê trọ.
Kết quả kiểm tra an toàn PCCC và cứu hộ cứu nạn cho thấy, 3.170 cơ sở không có lối tiếp cận cho xe chữa cháy; gần 3.200 cơ sở không đảm bảo tiêu chí ngăn cháy lan; gần 3.000 cơ sở không đảm bảo tiêu chí về hệ thống báo cháy; trên 2.800 cơ sở không đảm bảo điều kiện lối thoát nạn.
"Hầu hết cơ sở chỉ có một đường và lối thoát nạn, không có lối thoát nạn dự phòng; xe cộ, khu vực sạc xe điện ở tầng 1 nhưng không có giải pháp ngăn cháy lan, chống tụ khói. Các nhà trọ nằm trong ngõ sâu, phương tiện chữa cháy chuyên dụng không tiếp cận được", báo cáo nêu.
Theo lãnh đạo quận Cầu Giấy, sau ngày 30-6, quận Cầu Giấy sẽ tổ chức kiểm tra lại và xử lý các hành vi vi phạm về PCCC. Những cơ sở không đảm bảo quy định an toàn về PCCC sẽ bị đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động và dán thông báo công khai.
Cùng với đó, UBND quận Cầu Giấy đã giao Công an quận là cơ quan thường trực, tham mưu UBND quận tổ chức thực hiện các quy định về xử lý đối với các cơ sở bị tạm đình chỉ, đình chỉ, đang yêu cầu tạm ngừng, ngừng hoạt động để khắc phục về PCCC. UBND 8 phường thuộc quận bám sát địa bàn, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương và thành phố về công tác PCCC&CNCH; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kỹ năng về PCCC, tổ chức hướng dẫn cho người dân kỹ năng ứng phó với các tình huống khi có sự cố cháy nổ xảy ra; phát huy hơn nữa vai trò tuyên truyền, vận động, giám sát của MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội trong công tác PCCC tại các khu dân cư, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh…
Lãnh đạo quận Cầu Giấy cũng cho hay, với những nhà chung cư có hệ thống phòng chống cháy chưa được nghiệm thu, cư dân sinh sống sẽ không đảm bảo an toàn, nhưng đưa họ ra khỏi chung cư thì cũng không đơn giản. Cái khó của chính quyền địa phương chính là chế tài. Trong trường hợp cơ sở không đảm bảo, cũng không thể cắt điện, cắt nước để buộc người thuê nhà phải rời đi… Trong khi đó, rõ ràng nhìn thấy nguy cơ cháy tiềm ẩn, nhưng bản thân người thuê hay chủ nhà cũng “nhắm mắt đưa chân”, bởi nếu thuê ở những căn nhà cho thuê hiện đại thì giá thành cao, bản thân hoàn cảnh gia đình khó khăn, rất khó để đáp ứng được.
Giải pháp "chữa cháy" trước mắt là đẩy mạnh tập huấn về kiến thức và diễn tập phòng, chống cháy cho cư dân để phòng ngừa, chủ động dập lửa trước khi lực lượng chức năng đến xử lý. Ngay đầu tuần tới, quận giao công an phường, đặc biệt là cảnh sát khu vực địa bàn mình phụ trách đến từng nhà dân tuyên truyền, phổ biến kiến thức, gửi văn bản nhắc nhở người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Qua đó, giúp người dân nhận diện rõ hơn các nguy cơ khi sống trong môi trường không bảo đảm an toàn, vừa có thêm kiến thức phòng tránh khi xảy ra sự cố cháy, nổ có thể xảy ra.
Luật gia Lê Quang Vững: Vụ cháy nhà trọ ở phố Trung Kính để lại hậu quả thương tâm. Căn nhà này, chủ nhà dùng tầng 1 dùng để mua bán, sửa chữa xe điện. Theo quy định, chủ nhà muốn thực hiện việc kinh doanh thì phải được cấp phép kinh doanh, phải đóng thuế. Vậy ai kiểm tra, ai cấp phép cho cửa hàng kinh doanh, có bảo đảm điều kiện PCCC không mà tồn tại nhiều năm nay? Nếu không được cấp phép mà vẫn để tồn tại thì vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu là vấn đề cần làm rõ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.