Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần chế tài để thu hẹp khoảng cách về giới

Hà Phong| 17/04/2022 07:39

(HNM) - Sau hơn 13 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, tình trạng bạo lực gia đình ở Việt Nam đã từng bước giảm thiểu cả về số vụ và mức độ. Tuy nhiên, vẫn cần thêm các chế tài ngăn chặn triệt để bạo lực gia đình, bảo đảm thu hẹp khoảng cách giới, tiến tới bình đẳng giới thực chất.

Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới, hòa giải ở cơ sở tại huyện Thường Tín, ngày 31-3.

Kết quả điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam công bố gần đây nhất cho thấy: Có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra); cứ 3 phụ nữ có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý, có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ. Tình hình bạo lực gia đình xảy ra ảnh hưởng lớn đến mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc, cản trở sự nghiệp tiến bộ, phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới mà Việt Nam đang phấn đấu thực hiện. Không những vậy, kết quả điều tra còn cho thấy, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% Tổng sản phẩm trong nước (GDP) mỗi năm. Vì vậy, việc sửa đổi luật nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả phòng, chống bạo lực gia đình là rất cần thiết.

Theo Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - PGS.TS Tường Duy Kiên, trong báo cáo gần đây, Ủy ban về Xóa bỏ phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (Ủy ban CEDAW) đã thể hiện sự quan ngại khi biện pháp hòa giải được sử dụng một cách thường xuyên trong những vụ việc bạo lực gia đình. Trong đó có thể thiên vị nam giới và hạn chế khả năng tiếp cận công lý của phụ nữ cũng như các biện pháp khắc phục có hiệu quả. Do đó, sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình lần này cần quan tâm tới khuyến nghị của Ủy ban CEDAW trong rà soát, đánh giá việc sử dụng hình thức hòa giải, bảo đảm những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình có thể tiếp cận hiệu quả tới những biện pháp giải quyết, bảo vệ về mặt pháp luật, cũng như tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, bao gồm hỗ trợ pháp lý miễn phí, chăm sóc y tế và tâm lý, nhà tạm lánh, hỗ trợ tư vấn và sinh kế.

Chị Phạm Hồ Hồng Trang (ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) cho rằng, mức phạt hiện nay vẫn chưa đủ răn đe, cần xử lý người gây bạo lực gắn với các quy định trong Bộ luật Hình sự, thay vì quy định công an xã có trách nhiệm thực hiện các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình; bổ sung thêm hình phạt lao động công ích, phạt tiền từ thu nhập của người gây ra bạo lực. Song song đó, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cần được xác định là nhiệm vụ đầu tiên, then chốt cần phải tập trung thực hiện, góp phần bảo đảm thu hẹp khoảng cách giới và tiến tới bình đẳng giới thực chất, làm cho cả nam và nữ đều được hưởng thụ một cách bình đẳng từ các thành quả phát triển của xã hội. Cũng cần bổ sung trách nhiệm của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đó là xây dựng, kết nối mạng lưới toàn quốc dịch vụ liên ngành hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới, phát huy hiệu quả mô hình địa chỉ tin cậy tại các tỉnh, thành phố và đội ngũ làm công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời, thành lập Quỹ Phòng, chống bạo lực gia đình tại các tỉnh, thành phố, xem đây là nguồn hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ là nạn nhân, có cơ hội được tiếp cận các nguồn vốn để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Với vai trò tham mưu giám sát, góp ý xây dựng luật, phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản pháp luật liên quan đến phụ nữ và trẻ em, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam sẽ tổ chức nhiều kênh tham vấn ý kiến dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Đích đến là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua sẽ là một đạo luật góp phần phòng ngừa và xử lý hiệu quả các vụ bạo lực gia đình, bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của những người bị bạo lực. Qua đó, xây dựng nền văn hóa "Nói không với bạo lực gia đình, nói không với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần chế tài để thu hẹp khoảng cách về giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.