(HNM) - Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7 tới. Hiện 20 địa phương được chọn thí điểm BHNN vẫn đang
Tại hội thảo gần đây nhất lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo thông tư, các địa phương đều cho rằng, dự thảo còn phải bàn bạc nhiều để cho "ra đời" thông tư chính thức. Trong khi đó mốc thời gian 1-7 đã cận kề, liệu BHNN có được triển khai thí điểm ở các địa phương?
Tham gia bảo hiểm nông nghiệp, nông dân sẽ được hỗ trợ khi gặp rủi ro. Ảnh: Thái Hiền
Lựa chọn đối tượng BHNN phải phù hợp
Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng, các tỉnh không thể triển khai BHNN đại trà, phải chọn đối tượng cho phù hợp, đồng thời phải phù hợp với từng vùng miền. Ngoài ra, dự thảo cũng quy định cụ thể các tiêu chí về quy mô sản xuất, quy trình sản xuất và mức độ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh đối với chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và lúa nước. Đại diện tỉnh Nam Định, Nghệ An cho rằng, việc quy định sản xuất lúa nước tham gia thí điểm BHNN phải theo quy trình và tính thời vụ do Bộ NN&PTNT đưa ra là không hợp lý. Đại diện hai tỉnh này cho rằng, thông tư chỉ nên quy định chung chứ không cần cụ thể, bởi mỗi địa phương sản xuất theo quy trình phù hợp với thổ nhưỡng và địa hình của từng vùng. Còn đối với chăn nuôi, dự thảo vẫn còn nhiều điều để bàn. Theo quy định của dự thảo, đối với chăn nuôi lợn thịt quy định quy mô sản xuất hộ gia đình từ 2 con trở lên và quy mô đàn từ 100 con lợn thịt/lứa. Mức độ thiệt hại được BHNN đối với chăn nuôi lợn thịt phải là số lượng lợn thịt bị chết do thiên tai, dịch bệnh ở mức 15% trở lên thì mới được BH. Đại diện tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, nếu tính như vậy thì khi dịch bệnh xảy ra, các hộ chăn nuôi từ 100 con lợn trở lên mà chỉ có 1, 2 con bị dịch bệnh thì hộ đó phải đợi đến khi dịch "lan" đủ 15% mới được BH liệu có phù hợp với quy định phòng dịch bệnh? Tương tự như vậy, đối với gà đẻ, mức độ thiệt hại được BH quy định số lượng gà chết do cúm ở mức từ 20% trở lên. Vậy chủ hộ cũng phải đợi chết đến 20% mới được BH. Đại diện các tỉnh cho rằng, đối với thiệt hại do dịch bệnh nên được BH 100%. Đại diện các tỉnh cho rằng, nếu cứ "mổ xẻ" từng điểm trong quy định của dự thảo thì điểm nào cũng thấy cần bổ sung, chỉnh sửa, điều quan trọng là các địa phương và doanh nghiệp cần linh động khi triển khai theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng cho rằng, triển khai BHNN lần này sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc triển khai BHNN lần này khác với những lần trước. Đây là lần đầu tiên BHNN được làm một cách bài bản, chặt chẽ nếu các địa phương chọn đối tượng phù hợp, chính xác cộng với sự vào cuộc quyết tâm của các công ty BH thì việc triển khai BHNN lần này sẽ thành công.
Cần có phương pháp xác định thiệt hại
Đa số các tỉnh được chọn thí điểm BHNN đều cho rằng, điều khó nhất để BHNN thành hiện thực là phải xác định đúng, chính xác thiệt hại để cả người sản xuất và các công ty tham gia BH không "thua lỗ". Đại diện các tỉnh xác định thiệt hại trong chăn nuôi là khó nhất. Mức độ rủi ro trong chăn nuôi bao giờ cũng cao hơn trồng trọt. Trong chăn nuôi phân chia thành hai quy mô, quy lớn và quy mô nhỏ. Nếu làm không khéo BH sẽ hướng đến quy mô lớn, như vậy đối tượng nghèo sẽ bị loại ra vì không có khả năng chăn nuôi lớn. Còn nếu làm rộng, làm đại trà thì BHNN khó khả thi.
Một điểm nữa là tới đây thu, chi BH làm thế nào để đơn giản nhất, đánh giá mức độ thiệt hại đúng nhất? Đại diện ngành BH cho biết, nếu BH thân thể, bảo hiểm chân tay thì rất dễ xác định thiệt hại, còn nuôi trồng thì khó vô cùng, chỉ mang tính định lượng. Bàn luận vấn đề này, đại diện các tỉnh Bắc Ninh, Đồng Nai cho rằng, chỉ khi gia súc, gia cầm chết mới được BH có hợp lý? Nếu gia súc, gia cầm bị ốm, bị dịch thì chi phí chữa rất lớn liệu có được BH? Các tỉnh kiến nghị, khi gia súc bị ốm nên được bảo hiểm thì mới khuyến khích hộ nông dân phòng bệnh. Ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp BH Việt Nam cho rằng, tổ công tác của các bộ, ngành cần có cuộc họp với đơn vị BH để thống nhất được mức đền bù, phương pháp xác định thiệt hại. Dù các đơn vị BH được nhà nước hỗ trợ song trách nhiệm sẽ rất lớn.
Hà Nội thuộc diện được BH nhóm thứ hai, tức là nhóm chăn nuôi (lợn, trâu bò, gia cầm). Theo đánh giá, đây là nhóm khó nhất trong 3 nhóm sản phẩm tham gia được BH. Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng cho rằng, Hà Nội phải xác định rõ tính chất sản xuất tập trung trên địa bàn từ hộ gia đình, trang trại, doanh nghiệp đến đâu? Trên cơ sở đó, nếu cần thiết thì có thể đề xuất triển khai loại hình thí điểm BH đặc thù cho mô hình chăn nuôi ven đô, phục vụ nhu cầu thực phẩm sạch cho đô thị. Bởi vì loại hình chăn nuôi này có những điều kiện sản xuất còn cao hơn những địa phương khác. Đây cái mà Hà Nội cần phải làm nhanh, chủ động rồi khớp lại với các bộ, ngành để triển khai thực hiện được BHNN thành công. Muốn vậy Hà Nội nhất định phải tổ chức lại chăn nuôi.
BHNN không phải là lĩnh vực mới, tuy nhiên đây là lĩnh vực rất khó khăn, các bộ, ngành cần sớm ban hành thông tư, hướng dẫn chính xác. Người nông dân hiện còn "mơ hồ" về BHNN, nếu hướng dẫn không cụ thể sẽ khó thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.