(HNM) - Thời gian qua, tình trạng lấn chiếm lòng, hè đường; đỗ ô tô, xe máy... tại cổng các khu công nghiệp và chế xuất tại Hà Nội đã, đang gây nên cảnh lộn xộn và mất an ninh trật tự. Chấn chỉnh việc này, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các bên liên quan, đồng thời phải khẩn trương hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất.
Xử lý chưa dứt điểm
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, các tuyến đường bao quanh Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh) như đường 24, đường 36, đường Quang Minh tồn tại hàng chục hàng quán được che bạt, ô... để bán nước giải khát, đồ ăn. Chị Lê Thu Hương, tổ dân phố 1, thị trấn Quang Minh cho biết, việc kinh doanh hàng ăn, uống, đỗ xe diễn ra trong nhiều năm nay, nhưng... không được xử lý.
Tương tự, tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), sau khi tan ca, công nhân thay vì đến chợ mua thực phẩm, họ đã mua ở hai bên đường trong nội khu công nghiệp. Đáng nói, tại quốc lộ 6 - nơi có lưu lượng phương tiện rất đông, nhưng nhiều công nhân vẫn vô tư dừng lại hoặc đi ngược chiều để mua hàng hóa tại các quầy bán thức ăn chín lưu động và hàng rong trên hành lang của tuyến đường.
Tại Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, đoạn đường từ cổng khu công nghiệp đến Đại lộ Thăng Long cũng tồn tại hàng chục quầy bán hàng rong để "đón" công nhân tan ca. Các mặt hàng chủ yếu là quần áo, rau quả, thức ăn... Người mua, người bán tấp nập gây nên cảnh lộn xộn vào mỗi buổi chiều hằng ngày. Tình trạng người bán hàng rong sát tường rào Khu công nghiệp Nội Bài (huyện Sóc Sơn) cũng diễn ra công khai trong thời gian dài, gây ùn tắc giao thông.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Đỗ Tiến Đản, Trưởng Văn phòng đại diện Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội khẳng định thực trạng nêu trên là đúng. Hà Nội hiện có 9 khu công nghiệp đang hoạt động. Tuy nhiên, hiện chỉ có Khu công nghiệp Thăng Long là cơ bản hoàn chỉnh về hạ tầng. Các khu còn lại đều có nguồn gốc phát triển từ các cụm, điểm công nghiệp cũ, chưa có đường giao thông riêng biệt, nhiều nơi chưa rà soát các điểm xung đột, vòng xuyến giao thông... Ngoài ra, vẫn còn nhiều hạng mục như công trình giao thông, hệ thống thoát nước, cây xanh... chưa được đầu tư, xây dựng hoàn chỉnh. Đây chính là nguyên nhân khiến người dân lợi dụng mang hàng hóa vào các khu công nghiệp để bán.
Hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp
Thực tế, chính quyền địa phương và đơn vị quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất đều khẳng định đã nỗ lực để giải tỏa lều, lán vi phạm, nhưng quá trình xử lý vẫn gặp khó khăn. Ông Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch UBND thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai) chia sẻ: Tình trạng bán hàng rong trong Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai liên tục tái diễn, nhưng do thiếu cán bộ quản lý đô thị, lực lượng công an mỏng nên không thể cắm chốt hoặc kiểm tra thường xuyên. Trong khi đó, người bán hàng luôn tìm đủ mọi cách để tái phạm.
Còn ông Lê Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Quang Minh (huyện Mê Linh) cho biết, hằng năm, UBND thị trấn đều ra quân xử lý vi phạm, yêu cầu các hộ ký cam kết nhưng vì mưu sinh nên các hộ vẫn tái phạm. "Cách tốt nhất là khu công nghiệp cần có đường giao thông riêng biệt để người bán hàng không có cơ hội lấn chiếm", ông Lê Văn Hưng nhấn mạnh.
Nói về giải pháp khắc phục, ông Nguyễn Văn Vỹ, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng - đô thị huyện Mê Linh cho biết: Theo chỉ đạo của UBND huyện, trước mắt, đơn vị sẽ phối hợp với các ngành chức năng, thị trấn Quang Minh và thị trấn Chi Đông kiên quyết xử lý lều, lán lấn chiếm hè, đường để kinh doanh và đỗ xe trái phép tại đường 36, đường 24 và các tuyến đường nội bộ của Khu công nghiệp Quang Minh.
Về phía đơn vị đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, ông Đỗ Duy Cao, Trưởng ban Quản lý hạ tầng Công ty TNHH Đầu tư và phát triển hạ tầng Nam Đức cho biết, đơn vị đã gửi công văn đến UBND huyện Mê Linh đề nghị huyện đưa ra phương án đề xuất Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đồng ý cắm biển báo cấm dừng đỗ trên đường 36, đường 24 Khu công nghiệp Quang Minh. Còn Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Hà Tây, đơn vị quản lý hạ tầng Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai đã tăng cường cán bộ bảo vệ ở các chốt giao thông trong khu công nghiệp và chủ động phối hợp với UBND huyện Quốc Oai để xử lý vi phạm.
Về vấn đề này, ông Đỗ Tiến Đản, Trưởng Văn phòng đại diện Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết: "Một mặt, Ban thường xuyên yêu cầu các khu công nghiệp tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các cổng, tuyến đường giao thông; mặt khác đề nghị chính quyền địa phương phối hợp xử lý, giải tỏa vi phạm, triển khai các giải pháp chống tái lấn chiếm. Đặc biệt, định kỳ 3 tháng, Ban tổ chức giao ban với các doanh nghiệp hạ tầng khu công nghiệp để yêu cầu báo cáo tiến độ, giải trình khó khăn, thực hiện đầu tư hoàn thiện các hạng mục công trình trong năm 2019 của Khu công nghiệp Phú Nghĩa, Quang Minh, Thạch Thất - Quốc Oai...
Có thể thấy, việc hoàn thiện các hạng mục công trình theo đúng quy chuẩn của một khu công nghiệp là rất quan trọng. Tuy nhiên, trong khi chờ hạ tầng được hoàn chỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhằm chấn chỉnh, lập lại trật tự tại các khu công nghiệp trên địa bàn, không để kéo dài tình trạng lộn xộn như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.