Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần cái nhìn nhiều chiều

Gia Khánh| 23/05/2023 06:06

(HNM) - Thời gian qua, dư luận chú ý đến câu chuyện “nhiều doanh nghiệp lớn phải bán tài sản chỉ bằng 50% giá trị thực và người mua là các nhà đầu tư nước ngoài”. Cùng với đó là cảnh báo về việc nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm những doanh nghiệp lớn mà nền kinh tế cần phải giữ. Hiện tượng này cần được xem xét và đánh giá bằng cái nhìn nhiều chiều.

Có ý kiến cho rằng, việc nhà đầu tư nước ngoài mua lại doanh nghiệp trong nước cho thấy các đơn vị này đang gặp rất nhiều khó khăn, nền kinh tế chưa hoàn toàn hồi phục sau tác động của đại dịch Covid-19 và suy thoái toàn cầu. Ở nhiều diễn đàn, cộng đồng doanh nghiệp cũng chia sẻ những thách thức mà doanh nghiệp gặp phải, đó là lãi suất cao, tiếp cận vốn tín dụng khó khăn, đơn hàng không có… Số liệu thống kê cho thấy, mỗi tháng bình quân có 20.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc từ quý III-2022 đến nay. Kim ngạch xuất khẩu và chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2023 đều giảm…

Song ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến cũng nhìn nhận, trước hết doanh nghiệp chịu trách nhiệm và biết rõ việc cần thiết phải cơ cấu lại hoạt động sản xuất, bán bớt tài sản để phù hợp với năng lực quản lý. Chính cơ quan quản lý đã thẳng thắn đánh giá, nhiều doanh nghiệp có khả năng quản trị yếu và đầu tư dàn trải. Vì thế, hiện tượng nêu trên là sự điều chỉnh tự nhiên của thị trường.

Mặt khác, việc nhà đầu tư nước ngoài mua lại doanh nghiệp trong nước phần nào là tín hiệu tích cực, bởi có thể họ quản trị tốt hơn, chuyển giao công nghệ hiện đại hơn; đồng thời hình thức này được coi là cách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh, góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,88 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện 1.044 giao dịch mua phần vốn góp với tổng giá trị hơn 3,1 tỷ USD, tăng 1,8% về số giao dịch và hơn 70% về số vốn. Lĩnh vực mà nhà đầu tư quan tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, kho bãi, vận chuyển… Bên cạnh đó, các quy định về đầu tư cũng xác định rõ điều kiện, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Rõ ràng, vấn đề nhà đầu tư nước ngoài mua lại doanh nghiệp trong nước cần được đánh giá toàn diện, nhiều chiều. Qua đó thấy được mặt tích cực để tận dụng, phát huy; đồng thời nhận định rủi ro, tiêu cực để ngăn ngừa, bảo vệ doanh nghiệp trong nước.

Việc cần làm là hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ hơn nữa, thiết thực hơn nữa. Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo nới tín dụng, giảm lãi suất, cải thiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tăng tốc đầu tư công, giảm, giãn thuế, phí… Các chính sách tiền tệ kết hợp tài khóa tiếp tục được ban hành. Tuy nhiên, vẫn còn những chính sách thoạt đầu rất được kỳ vọng nhưng triển khai lại chưa như ý muốn, bởi đi cùng còn là vấn đề thể chế, sự phối hợp giữa các ngành, địa phương, sự linh hoạt trong vận dụng chính sách…

Cải cách thể chế, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục là việc phải làm và làm quyết liệt. Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn bủa vây, cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh càng phải làm mạnh để tạo ra động lực phát triển cho doanh nghiệp.

Cơ quan quản lý có trách nhiệm bảo đảm hành lang pháp lý minh bạch, công khai, giúp doanh nghiệp cả trong và ngoài nước hoạt động ổn định, phát triển bền vững. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải biết vượt khó, tự tìm hướng phát triển tốt nhất, bởi chính doanh nghiệp tự hiểu mình nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần cái nhìn nhiều chiều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.