(HNM) - Ngày 3-12-2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1677/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025. Văn bản này, một lần nữa, xác định vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục mầm non đối với sự phát triển của thế hệ trẻ Việt Nam.
Đó là: “Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố căn bản về nhân cách cho trẻ em trước khi vào lớp 1. Việc chăm lo phát triển giáo dục mầm non, bảo đảm mọi trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng, công bằng và bình đẳng là trách nhiệm của các cấp, các ngành, mỗi gia đình và toàn xã hội”.
Mục tiêu cơ bản được đặt ra tại Đề án là: “Củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Đa dạng hóa các phương thức, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo hướng đạt chuẩn chất lượng giáo dục mầm non trong khu vực và quốc tế…”.
Từ văn bản nói trên, dễ hiểu định hướng cơ bản của Đảng, Nhà nước đối với giáo dục mầm non không chỉ là lo đủ chỗ học và huy động trẻ tới lớp, mà còn phải bảo đảm chất lượng dạy dỗ, chăm sóc, nuôi dưỡng, hướng đến mục tiêu cuối cùng là giúp trẻ phát triển toàn diện. Đó là định hướng đúng đắn, phù hợp với mục tiêu phát triển, nhu cầu và điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Nhưng muốn mang lại hiệu quả cần thiết thì đòi hỏi đề án phải được thực hiện một cách bài bản, có sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của các ngành liên quan, các địa phương và cộng đồng.
Trong quá trình thực hiện, tùy theo tình hình và điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể mà mỗi địa phương đề ra lộ trình phù hợp, xác định phần việc cần ưu tiên tập trung hoàn thành. Như ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, việc có mạng lưới trường, lớp khang trang, thiết bị giáo dục đầy đủ là việc cần ưu tiên nhằm giúp trẻ trong độ tuổi có cơ hội đến trường, trước khi thực hiện các phần việc tiếp theo. Với khu vực đô thị, sự quan tâm lại là vấn đề bảo đảm chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, đặc biệt là về chế độ dinh dưỡng...
Để triển khai đề án một cách sáng tạo, hiệu quả, việc đầu tiên các ngành, địa phương cần làm là nâng cao nhận thức chung về tầm quan trọng của giáo dục mầm non đối với sự phát triển của trẻ em - chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai. Nhận thức dẫn lối hành động. Nhận thức đúng thì các nhà trường không còn thái độ coi nhẹ chất lượng khẩu phần ăn hằng ngày, dửng dưng trước quy định về an toàn thực phẩm hay lơ là bài học kỹ năng ứng xử đầu đời của trẻ…
Nhận thức đúng giúp cơ quan quản lý giáo dục - y tế chủ động phối hợp chặt chẽ với nhau, không chỉ xây dựng phần mềm thực đơn cân bằng dinh dưỡng, phù hợp lứa tuổi hay quy định phòng, chống bệnh tật trong nhà trường, mà còn có giải pháp kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện những quy định đó. Nhận thức đúng giúp giải pháp xã hội hóa hoạt động giáo dục được triển khai đúng hướng, mục tiêu lợi nhuận và mục tiêu chăm sóc, giáo dục trẻ được quan tâm một cách hài hòa; để không còn tình trạng hành hạ trẻ hay “ăn bớt dinh dưỡng” như đã từng xảy ra. Nhận thức đúng thì các gia đình không còn tâm lý phó mặc con cho nhà trường, mà sẽ chuyên tâm đồng hành cùng cô giáo trong việc nuôi, dạy trẻ…
Bởi vậy, sẽ là không sai khi nói rằng chúng ta cần một bước chuyển rõ ràng hơn về nhận thức trong quá trình triển khai đề án phát triển giáo dục mầm non.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.