(HNM) - Hiện nay, khi dịch sởi có dấu hiệu lắng xuống, nỗi lo của các chuyên gia y tế chuyển sang bệnh thường gặp trong mùa hè như tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH). Điều gây lo ngại là, trong khi ngành y tế và các đơn vị liên quan khẩn trương đề ra các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh mùa hè thì người dân lại tỏ ra thờ ơ với công tác phòng chống dịch bệnh.
Vệ sinh môi trường: Nhiều người thờ ơ
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 287 trường hợp mắc bệnh TCM, số mắc giảm 38,9% so với cùng kỳ năm 2013 nhưng bệnh có diễn biến phức tạp, có thời điểm tính riêng một tuần đã ghi nhận thêm 49 ca mắc mới, tập trung nhiều ở huyện Phú Xuyên, Thanh Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ. Thống kê về bệnh SXH cho thấy, đã có hơn 50 trường hợp mắc, có tuần ghi nhận 8 trường hợp mắc mới ở các quận, huyện như Đan Phượng, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Thanh Trì… Tức là số mắc nằm trên diện rộng. Giới chuyên môn cảnh báo, bệnh TCM, SXH nguy hiểm không kém bệnh sởi và số ca mắc có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Để ngăn chặn dịch bệnh ngay từ đầu, biện pháp quan trọng là vệ sinh phòng bệnh.
Tiêm vắc xin cho trẻ em tại Trạm Y tế xã Cao Viên, huyện Thanh Oai. Ảnh: Văn Chiến |
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh TP Hà Nội vừa diễn ra tuần qua, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, để chủ động phòng chống bệnh SXH nói riêng và dịch bệnh mùa hè nói chung, thành phố đã tổ chức phát động chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi... Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nhiều hộ dân tỏ ra chủ quan, thờ ơ với công việc này.
Tại quận Đống Đa, địa phương đầu tiên thực hiện chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, dù cán bộ y tế, tổ dân phố đã "đến từng ngõ, gõ từng nhà", vận động người dân hưởng ứng tham gia nhưng đến hôm triển khai chiến dịch, nhiều hộ gia đình vẫn bất hợp tác. Có nơi, khi cán bộ y tế đến phun hóa chất thì chủ hộ đã đóng cửa, ngăn cản không cho vào nhà. Những hiện tượng nói trên gây ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. "Ở những nơi có người mắc bệnh hay xuất hiện các ổ dịch, muốn khống chế dịch bệnh thì ngành chức năng phải khoanh vùng, phun hóa chất toàn bộ vùng xung quanh. Nếu trong vùng xuất hiện ổ dịch mà vẫn còn những hộ không được phun hóa chất thì muỗi vẫn có thể truyền bệnh từ hộ gia đình này sang hộ gia đình khác, khiến dịch bệnh tiếp tục lan rộng và bùng phát", ông Hoàng Đức Hạnh lo ngại.
Khảo sát điều tra dịch tễ trên địa bàn thành phố cho thấy, tại nhiều gia đình có những dụng cụ chứa nước, chậu cây cảnh hay phế liệu đọng nước. Ngoài ra, hiện nay, tại nhiều nơi diễn ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, người dân phải tích nước dự trữ và đó là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi nảy nở, phát triển, tiềm ẩn nguy cơ lây truyền bệnh. Thế nhưng, dù trên loa phát thanh của phường thường xuyên tuyên truyền về mối lo này, nhưng nhiều hộ gia đình vẫn không chủ động dọn dẹp, vệ sinh môi trường sống... Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, số bệnh nhân SXH, TCM chủ yếu tập trung tại những địa bàn đông dân cư, do điều kiện vệ sinh và ý thức phòng bệnh chưa tốt nên bệnh dễ bùng phát thành dịch.
Cẩn trọng khi sử dụng hóa chất diệt côn trùng
Các thí nghiệm mới đây cho thấy, tại một số địa phương đã có hiện tượng muỗi truyền SXH và viêm não Nhật Bản trong điều kiện kháng hóa chất. Theo TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét ký sinh trùng, côn trùng trung ương, mức độ kháng hóa chất của muỗi ngày càng mạnh. Đơn cử như loài muỗi truyền bệnh SXH Aedes aegypti đã kháng với các hóa chất đang được sử dụng rộng rãi là Deltamethrin và Permethrin. Điều này không chỉ dẫn đến nguy cơ mầm bệnh không dễ bị tiêu diệt, tồn tại quanh năm, mà còn khiến số người mắc SXH khó giảm.
Nguyên nhân muỗi kháng thuốc là do người dân lạm dụng thuốc diệt muỗi, sử dụng hóa chất nông nghiệp quá nhiều khiến muỗi quen với các hóa chất... Theo giới chuyên môn, việc dùng nhiều hóa chất khiến cho muỗi quen với áp lực chọn lọc để tồn tại, từ đó có biến đổi chất để thích nghi với môi trường nhiều hóa chất. Ông Hoàng Đức Hạnh dẫn chứng, người dân ở nội thành thường tự ý phun hoặc thuê các công ty vệ sinh môi trường đến nhà phun hóa chất khử khuẩn, diệt muỗi, côn trùng lây truyền bệnh, dễ dẫn đến tình trạng muỗi kháng thuốc, thậm chí là gây nguy hiểm cho sức khỏe của con người. "Chỉ các đơn vị, cơ quan hoặc doanh nghiệp được cấp phép của ngành y tế trong lĩnh vực phun hóa chất diệt côn trùng, muỗi truyền bệnh mới được triển khai việc này. Số đơn vị tư nhân được cấp phép hầu như rất ít. Mặt khác, việc phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh SXH phải có chỉ định của ngành y tế, trên cơ sở ở địa phương đó có bệnh nhân mắc SXH và vectơ truyền bệnh tập trung với mật độ cao, chứ không phải địa bàn nào cũng tiến hành phun hóa chất diện rộng", ông Hoàng Đức Hạnh cảnh báo.
Trước thực tế nói trên, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho rằng, một trong những biện pháp phòng bệnh mùa hè hữu hiệu là người dân nên thực hiện tốt việc vệ sinh hằng ngày. Ngoài ra, hằng tuần cần thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy, loại bỏ phế thải, các hốc nước tự nhiên nhằm không cho muỗi đẻ trứng. Đặc biệt là cần tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất, tổng vệ sinh môi trường nhằm phòng, chống dịch một cách hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.