Pháp luật

Cần án tử hình với tội phạm liên quan đến thuốc, thực phẩm giả

Tiến Thành 27/05/2025 - 12:19

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Bộ luật Hình sự cần áp dụng án tử hình đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc và thực phẩm.

Sáng 27-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

phong-lan.jpg
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Không khoan nhượng với tội phạm liên quan đến thuốc, thực phẩm giả

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến quy định về bỏ án tử hình đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ băn khoăn với quy định không còn hình phạt tử hình cho 4 tội danh tham ô, nhận hối lộ, vận chuyển ma túy trái phép và đặc biệt là sản xuất, kinh doanh thuốc giả. Theo đại biểu, những tội này gây hậu quả hết sức nghiêm trọng, ngày càng phức tạp khiến lực lượng chấp pháp khó khăn, vất vả.

"Tại sao lại giảm án? Nếu nêu ra lý do phải hòa nhập với thế giới để nhân văn với tội phạm thì tôi cũng không hiểu tại sao “lòng chợt từ bi” bất ngờ như thế này. Thân nhân của những nạn nhân, những người đã chết vì tội lỗi này sẽ cảm thấy thế nào...? Do đó, tôi cho rằng vẫn cần giữ án tử hình đối với những trường hợp vi phạm cực kỳ nghiêm trọng nói trên", đại biểu kiến nghị.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị phải đưa thêm khung hình phạt cao nhất là tử hình với trường hợp sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, đặc biệt là sữa giả, thực phẩm chức năng giả. Đây là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến người yếu thế trong xã hội, sức khỏe và niềm tin của nhân dân. Theo đại biểu, không thể “xuê xoa” với loại tội phạm này, phát hiện ra được đã khó mà khi phát hiện được lại còn phải loay hoay tìm cách xử lý cho đúng với tội trạng.

thu-nguyet.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn Đắk Lắk) thảo luận. Ảnh: VPQH

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn Đắk Lắk) cho biết, dự thảo luật quy định tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và thuốc phòng bệnh thuộc trường hợp làm chết 2 người trở lên bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tù chung thân không xem xét giảm án.

Theo đại biểu, điều kiện quy định cho tội phạm này chưa tương xứng với tính chất và hành vi phạm tội, chưa thể hiện sự răn đe trong thực tế. Bởi, thời gian qua đã có những vụ việc đối tượng tham gia phạm tội với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh đã gây ra nhiều vấn đề, để lại cho xã hội nhiều hậu quả nặng nề.

Loại tội phạm này cũng đã làm ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề về vật chất, tài sản, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của con người. "Phải kiên quyết xử lý đối với tội danh này, nếu chúng ta khoan nhượng thì vô tình sẽ tiếp tay cho vấn đề giết người hàng loạt, ảnh hưởng tới cộng đồng", đại biểu nhấn mạnh.

Cùng quan tâm nội dung trên, đại biểu Nguyễn Thanh Sang (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và thuốc phòng bệnh cũng mất nhân tính không kém hành vi giết người”, và nhấn mạnh quan điểm không nên nhân đạo với những trường hợp phạm tội gây ra ảnh hưởng quá lớn, cần nghiêm trị để giữ kỷ cương phép nước.

anh-tri.jpg
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Hết sức thận trọng khi bỏ án tử hình với 8 tội danh

Về bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần hết sức thận trọng.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, một bộ luật vừa bảo đảm được sự nghiêm khắc với tội phạm vừa thể hiện được sự nhân đạo phù hợp với ý chí của nhân dân, là một bộ luật nhân văn của một quốc gia văn minh. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng để tội nào chuyển từ mức tử hình xuống chung thân không giảm án, cơ quan soạn thảo cần xem xét thêm các ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Đồng tình với quan điểm cần xem xét kỹ lưỡng việc bỏ án tử hình, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nhấn mạnh, cần nhìn nhận một cách công bằng, rằng việc bỏ hình phạt tử hình trong một số tội danh không có nghĩa là khoan dung với tội phạm, mà là sự điều chỉnh phù hợp trong bối cảnh pháp lý, nhận thức nhân quyền và thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay.

“Việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh nào cần có sự xem xét kỹ lưỡng, dựa trên đánh giá khoa học, toàn diện về tính chất, mức độ nguy hiểm, tình hình tội phạm với thực tiễn áp dụng khi xét xử để không làm giảm tính răn đe của pháp luật”, đại biểu nói.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An) đề nghị cần cân nhắc đánh giá kỹ về việc bổ sung hình phạt mới là “án tù chung thân không giảm án” bởi sẽ có tác động rất lớn đối với điều kiện cơ sở vật chất nơi giam giữ, áp lực về nhân lực và nguồn lực cho tổ chức thi hành án. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng việc áp dụng hình phạt này sẽ mất đi ý nghĩa phạt tù là để giáo dục phạm nhân.

“Những người bị tuyên án tù chung thân không giảm án họ hiểu rằng suốt cuộc đời phải ở trong tù, từ đó phát sinh việc chống đối, quậy phá, không tham gia lao động, giả ốm đau hoặc phát sinh ý nghĩ, hành vi tiêu cực vì họ nghĩ có cải hối cũng không thể được trở lại hòa nhập với cuộc sống của cộng đồng”, đại biểu phân tích.

Cho biết có ý kiến nói rằng án tử hình không có tác dụng răn đe, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, nói như vậy là không đúng sự thật.

“Án tử hình có thể không có tác dụng răn đe với một số tội phạm nào đó, nhưng rõ ràng và sự thật là có tác dụng răn đe với rất nhiều tội phạm. Nhiều người phạm tội, vì sợ tử hình, thậm chí sợ chung thân nên không dám thủ ác ở mức cao nhất… Về nguyên lý, pháp luật ngoài chức năng trừng phạt, chức năng giáo dục còn có chức năng phòng ngừa vi phạm”, đại biểu nói và cho rằng hình phạt án tù chung thân không giảm án sẽ không có tác động tích cực đối với các phạm nhân.

pttg.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Tiếp thu, làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật, tức là sửa đổi, bổ sung một số vấn đề cấp bách, bức xúc. Theo Phó Thủ tướng, thống kê chưa đầy đủ cho thấy, đến năm 2024 đã có 142/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc bỏ án tử hình trong quy định hoặc là trên thực tế (có quy định nhưng không áp dụng vào thực tiễn).

“Việc dự thảo Luật quy định bỏ án tử hình đối với 8 tội danh có thể nói là một bước tiến rất dài trong quan điểm của chúng ta về chính sách hình sự đối với một số tội. Bộ luật Hình sự năm 1985 có 44 tội danh áp dụng án tử hình, Bộ luật năm 1999 còn 29 tội danh, Bộ luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) còn 18 tội danh”, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần án tử hình với tội phạm liên quan đến thuốc, thực phẩm giả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.