Ngày 30/5, đại diện của Thái Lan và Campuchia đã gặp nhau tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ở La Hay (Hà Lan), nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ giữa hai bên kéo dài nhiều năm nay.
Phái đoàn tùy viên quân sự nước ngoài thăm ngôi đền cổ Preah Vihear. (Ảnh: THX) |
Đại diện cho phái đoàn Campuchia tại ICJ là Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Hor Namhong; đoàn Thái Lan do Ngoại trưởng Kasit Piromya dẫn đầu.
Tại phiên toà, ông Hor Namhong đề nghị ICJ đưa ra các biện pháp để chấm dứt xung đột vũ trang leo thang tại khu vực tranh chấp xung quanh ngôi đền cổ Preah Vihear. Ông Hor Namhong cũng yêu cầu Thái Lan tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Campuchia và rút hết quân khỏi khu vực tranh chấp, đảm bảo an ninh, hoà bình và bảo tồn ngôi đền cổ.
Trong khi đó, phía Thái Lan cho rằng ICJ không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hiện nay giữa Thái Lan và Campuchia ở khu vực biên giới trên. Theo đại diện Thái Lan, nước này chấp nhận phán quyết của ICJ năm 1962 xác nhận đền Preah Vihear nằm trên lãnh thổ Campuchia, song phán quyền này chỉ liên quan đến ngôi đền chứ không qui định gì về khu vực xung quanh đền.
Vấn đề tranh chấp lãnh thổ xung quanh ngôi đền cổ Preah Vihear ở biên giới đã trở thành một trong những vấn đề nổi cộm trong quan hệ Campuchia-Thái Lan nhiều năm qua. Đây là lần thứ hai vấn đề này được đưa ra tòa án quốc tế.
Năm 1962, Campuchia đã đưa vấn đề này lên ICJ sau khi căng thẳng xung quanh tranh chấp lãnh thổ lên tới đỉnh điểm khiến hai bên đình chỉ quan hệ ngoại giao. ICJ khi đó đã phán quyết đền Preah Vihear thuộc lãnh thổ Campuchia. Tuy nhiên, ranh giới khu vực tranh chấp rộng khoảng 4,6 km2 xung quanh ngôi đền chưa được phân định rõ.
Sau khi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận đền Preah Vihear là Di sản thế giới năm 2008, tại đây đã xảy ra một số vụ đụng độ giữa binh sỹ hai nước trong nhiều tuần, làm ít nhất 18 người thiệt mạng và 85.000 người phải tạm sơ tán.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.