(HNM) - Sau Chỉ thị hồi đầu năm học về việc nghiêm cấm tổ chức thi tuyển vào lớp 6, ngày 17-3, Bộ GD-ĐT lại có văn bản nhắc nhở các Sở GD-ĐT yêu cầu nghiêm túc thực hiện quy định này, không có ngoại lệ cho bất kỳ đơn vị nào.
Người mừng, kẻ lo
Việc cấm tổ chức thi tuyển vào lớp 6 được đưa ra sau hàng loạt các lệnh cấm liên quan đến cấp tiểu học như không dạy thêm học thêm, không giao bài tập về nhà, không tổ chức thi HS giỏi, không tổ chức các đội tuyển tham gia giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ… từ đầu năm học 2014-2015. Đây không phải lần đầu tiên những quy định nhằm giải quyết tình trạng dạy thêm học thêm vốn đã trở thành căn bệnh mạn tính ở nhiều địa phương được ban hành, song dường như hay bị bỏ quên. Thế nên lần nhắc việc này với các địa phương cho thấy sự quyết tâm của Bộ GD-ĐT trong việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm, giảm áp lực cho HS tiểu học.
Thực hiện quy định cấm tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6 sẽ góp phần giảm áp lực cho học sinh. Ảnh: Thanh Hải |
Ghi nhận chung từ các phụ huynh có con đang ở lứa tuổi tiểu học cho thấy, chủ trương không tổ chức thi tuyển để tuyển sinh (TS) lớp 6 nhận được sự đồng tình và nhiều kỳ vọng. Hầu hết phụ huynh đều cho rằng HS tiểu học còn quá nhỏ, không cần thiết phải vội vã đưa con vào những “cuộc đua” của bố mẹ. Những “cuộc đua” ấy thường kéo dài từ khi các em bước vào lớp 4, thậm chí ngay từ khi mới lên lớp 3, và luôn đầy áp lực, đòi hỏi các em phải “ngốn” đủ thứ kiến thức của toán, ngữ văn, ngoại ngữ…, cạnh tranh với 10, thậm chí 20 đối thủ khác để giành được tấm vé vào một trường THCS nào đó do bố mẹ định sẵn.
Thế nhưng, với phụ huynh lớp 5, những người đang ấp ủ dự định cho con vào học lớp 6 tại một số trường được cho là có uy tín hơn các trường khác như hệ THCS của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THCS Cầu Giấy, Nguyễn Tất Thành, Mari - Quyri… lại tỏ ra lo lắng. Đa phần đều cho rằng quyết định của Bộ GD-ĐT là đột ngột. Nếu thông báo sớm, phụ huynh sẽ không tốn công sức, thời gian và kinh phí để gửi con đi ôn luyện trước cả vài năm trời. Hầu hết phụ huynh đều nhấp nhổm, bởi đã hết tháng 3 mà chưa rõ phương thức TS của trường THCS ra sao để có định hướng cho con ôn luyện. Anh Nguyễn Hà Nam, có con học ở Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa) cho biết, mấy ngày nay đã cất công đến Trường THCS Cầu Giấy, nơi anh có dự định cho con dự tuyển lớp 6 vào năm học tới để hỏi về phương thức TS. Tuy nhiên, phía nhà trường chỉ thông báo là sẽ không tổ chức thi tuyển lớp 6 theo đúng chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, song phương thức ra sao thì còn phải chờ. Chưa biết cách thức tuyển mới ra sao, nhưng để “chắc ăn”, gia đình vẫn tiếp tục cho con đi học thêm, vừa ngóng phương thức TS mới.
Nếu cơ sở giáo dục có số lượng HS đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu TS, các sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở này căn cứ vào các quy định hiện hành để xây dựng phương án TS phù hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, tuyệt đối không tổ chức thi tuyển HS vào lớp 6. (Trích công văn số 1258/BGD ĐT- GDTrH ngày 17-3-2015) |
Loay hoay tìm phương thức tuyển sinh mới
Năm học 2014-2015, Hà Nội có khoảng gần 10 trường THCS hoặc trường phổ thông có hai cấp học thực hiện việc TS lớp 6 theo phương thức thi tuyển. Lý do là bởi hằng năm, số hồ sơ đăng ký dự tuyển vào trường luôn cao hơn gấp nhiều lần chỉ tiêu được giao, nên những trường này được thực hiện phương thức TS theo chế độ đặc thù, được Bộ GD-ĐT và UBND thành phố chấp thuận. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thì từ năm học 2015-2016, quy định không tổ chức thi tuyển vào lớp 6 phải được thực hiện triệt để với tất cả các trường, cả công lập và ngoài công lập.
Tuy nhiên, khi chỉ tiêu có hạn mà số HS đăng ký dự tuyển nhiều thì việc chọn ra phương thức để “lọc” HS là việc cần thiết. Qua tìm hiểu thực tế, phương thức hạn chế “đầu vào” bằng cách khống chế số lượng đơn phát ra được nhiều trường loại trừ để tránh tình trạng phụ huynh xếp hàng từ nửa đêm, xô đổ cổng trường như đã từng xảy ra tại Hà Nội vài năm trước. Việc xét học bạ cũng chỉ là yếu tố phụ, bởi việc đánh giá ở tiểu học chỉ mang tính động viên, khuyến khích và hầu hết đều na ná nhau. Việc kiểm tra chỉ số IQ, EQ của HS đang được một số trường tính đến, nhưng không dễ thực hiện.
Thời điểm này, hầu hết các trường đều chưa có phương án chính thức về phương thức tuyển sinh mới. Ông Nguyễn Chí Thành, Giám đốc khảo thí của hệ thống Trường Vinschool cho biết: Nhà trường đang chờ hướng dẫn chi tiết của Sở GD-ĐT về phương thức TS mới để công bố cho phụ huynh, HS biết trên trang web của trường.
Ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Chủ trương của Sở GD-ĐT là tất cả các trường đều tổ chức TS bằng phương thức xét tuyển theo đúng tuyến. Với một số trường hợp đặc thù, theo quan điểm cá nhân, ông Phạm Hữu Hoan cho rằng có thể xem xét thực tế để xây dựng các tiêu chí TS như học bạ, thành tích nổi trội, chỉ số IQ… Sở GD-ĐT sẽ họp với các đơn vị để thống nhất cách thức triển khai. Dù vậy, ông cũng khuyến cáo các gia đình rằng mỗi phường, xã, thị trấn của Hà Nội đều có hệ thống trường công lập ở các cấp học, chất lượng không quá chênh lệch nhau và có khả năng đáp ứng chỗ học cho 100% HS trong độ tuổi. Việc chọn trường học tốt nhất cho con mình là nhu cầu chính đáng, song các bậc phụ huynh cũng nên cân nhắc kỹ về nhiều mặt, tránh gây áp lực không cần thiết cho con em mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.