(HNM) - Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua; Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam dự kiến được ký vào cuối năm 2018.
Hoàn thiện khung pháp lý, chính sách
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định EU - Việt Nam (EVFTA) đưa ra những cam kết về lao động. Đó là xu hướng phát triển tất yếu trên thế giới nhằm thực hiện tốt nhất các mục tiêu chung, đồng thời bảo đảm quyền lợi cho người lao động tại các quốc gia thành viên.
Người lao động cần trang bị tốt các kỹ năng, làm chủ máy móc, tự tin để sẵn sàng hội nhập. Ảnh: Viết Thành |
Về CPTPP, chương 19 (chương về lao động) nêu rõ: Các bên liên quan sẽ thông qua và duy trì những quyền lao động cơ bản như tự do liên kết và thương lượng tập thể; xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và mọi hình thức phân biệt đối xử trong lao động. Các nước thành viên phải quy định trong luật pháp và thực hiện trong thực tiễn những điều kiện làm việc ở mức chấp nhận được về lương tối thiểu, giờ làm việc, an toàn sức khỏe nghề nghiệp. Ngoài cam kết chung, Việt Nam cam kết riêng sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo cam kết chung. Đối với các vi phạm của Việt Nam (nếu có) liên quan đến cam kết chung về lao động, về quyền tự do hiệp hội và thương lượng tập thể, các nước sẽ không áp dụng biện pháp đình chỉ ưu đãi thương mại đối với Việt Nam trong thời gian từ 3 năm đến 5 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực.
Trong khi đó, EVFTA không có chương riêng về lao động, cam kết về lao động chỉ thể hiện ở chương “Thương mại và phát triển bền vững”. EVFTA không có điều khoản nào bắt buộc Việt Nam phải hoàn thành việc phê chuẩn 3 công ước cơ bản còn lại (công ước 87, 98 và 105) của Tổ chức Lao động quốc tế, nhưng nước ta cần thể hiện rõ nỗ lực hướng tới việc phê chuẩn những công ước này.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), những điều khoản riêng đối với Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới không phải là sự “nhân nhượng”, mà do nước ta cần lộ trình từ 3 đến 5 năm để xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách liên quan, nhất là chính sách pháp luật về lao động. Đó là những điều kiện cần để Việt Nam thực thi tốt nhất cam kết về lao động...
Tận dụng cơ hội để bứt phá
Song song với quá trình hoàn thiện khung pháp lý, việc làm thế nào để Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội phát triển từ những cam kết về lao động, tạo đà cho thị trường lao động trong nước bứt phá cũng là vấn đề được quan tâm.
Đáng mừng là các nghiên cứu đều cho kết quả rất khả quan. Theo tính toán của Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), từ năm 2020 trở đi, trung bình mỗi năm CPTPP sẽ tạo ra cho thị trường Việt Nam từ 17.000 đến 27.000 việc làm mới, còn EVFTA tạo ra khoảng 18.000-19.000 việc làm. Thời gian đầu, lao động thuộc ngành da giày, dệt may, chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử… duy trì được việc làm và có cơ hội thu nhập cao hơn. Sau đó, cơ hội việc làm sẽ chuyển dịch sang nhóm lao động trình độ cao…
Cơ hội đang rộng mở đối với thị trường lao động, việc làm trong nước nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn. Đến thời điểm này, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như chưa có kế hoạch và chiến lược cụ thể để sẵn sàng tham gia. “Không ít doanh nghiệp có tâm lý thụ động, chờ đợi động thái từ các cơ quan quản lý nhà nước, chưa chuẩn bị điều kiện cần thiết để thực hiện cam kết về lao động trong bối cảnh mới. Nếu không chủ động chớp thời cơ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tự đánh mất cơ hội phát triển”, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội nhận xét.
Khẳng định cam kết về lao động trong các hiệp định thương mại tự do sẽ mang lại lợi ích về nhiều mặt, bà Marva Corley, chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế cho rằng, Việt Nam nên trang bị tốt kỹ năng cho người lao động để họ có thể làm chủ máy móc, khoa học công nghệ, tự tin sáng tạo, vững vàng hội nhập.
Những ý kiến nêu trên cho thấy, cam kết về lao động sẽ mở ra cơ hội bứt phá cho thị trường lao động Việt Nam. Ngay từ bây giờ, nước ta cần chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện để bước vào CPTPP hay EVFTA với tâm thế chủ động tận dụng thời cơ, sẵn sàng ứng phó với những thách thức, từng bước biến thách thức thành cơ hội phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.