(HNMO) - Nasa vừa thông báo về thất bại đầu tiên của mình trong nhiệm vụ của tàu thăm dò Curiosity tại sao Hỏa.
Một cảm biến trên trạm thời tiết của tàu thăm dò để đọc gió đã bị hư hỏng. Tuy nhiên, nhóm nhiệm vụ nhấn mạnh, đây không phải là một vấn đề lớn.
Hiện chưa rõ thiệt hại xảy ra như thế nào nhưng các kỹ sư nghi ngờ rằng lớp đá bề mặt bị tung lên trong khi tàu thăm dò hạ cánh có thể đã làm hỏng các mạch cảm biến và đứt hệ thống dây điện.
Javier Gomez-Elvira, điều tra viên chính về thiết bị hỏng, cho biết ông hy vọng sẽ tìm ra cách tốt nhất để vượt qua vấn đề này.
"Chúng tôi đang làm việc để phục hồi chức năng nhiều nhất có thể", ông nói với các phóng viên.
Curiosity - còn được gọi là Phòng thí nghiệm khoa học sao Hỏa, MSL – đã hạ cánh xuống miệng núi lửa Gale cách đây hai tuần. Nó sẽ hoạt động trên sao Hỏa ít nhất là 2 năm, tìm kiếm các bằng chứng cho thấy hành tinh này đã từng thích hợp để tổ chức cuộc sống của vi sinh vật.
Các kỹ sư đang gần hoàn thành chương trình kiểm tra của họ với tàu Curiosity sau khi hạ cánh.
Trạm thời tiết là một đóng góp của Tây Ban Nha với dự án tàu thăm dò. Nó ghi lại nhiệt độ không khí và mặt đất, áp suất và độ ẩm không khí, tốc độ và hướng gió, cũng như số lượng bức xạ cực tím rơi xuống bề mặt.
Theo các thông số ban đầu, nhiệt độ không khí trong miệng núi lửa Gale đã lên đến khoảng 2,7oC vào buổi chiều trên sao Hỏa và xuống đến -75oC vào giữa đêm sao Hỏa.
Tuy có chút hỏng hóc nhưng nhìn chung, tàu thăm dò có sức khỏe tốt. Các lệnh chỉ huy sẽ được gửi lên để khởi động ổ đĩa đầu tiên.
"Chúng tôi sẽ lái tàu về phía trước vài mét, lần lượt ở vị trí khoảng 90 độ và sau đó trở lại", ông Mike Watkins, người quản lý nhiệm vụ cho biết.
Một mốc kỹ thuật quan trọng khác được vượt qua trong tuần này là việc mở cánh tay robot của Curiosity.
Nó đã được gập lại để thực hiện các khớp nối của nó. Cánh tay nắm giữ một tháp công cụ nặng 30kg ở điểm cuối, trong đó có một mũi khoan để lấy các mẫu đá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.