Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải thiện hiệu quả đầu tư

Người Quản Lý| 21/07/2011 07:56

(HNM) - Các nhà điều hành chính sách tài chính - tiền tệ đang băn khoăn: Làm thế nào vừa hạ được lãi suất, vừa kiềm chế lạm phát. Trong khi, dự báo chỉ số CPI tháng 7, tháng 8 sẽ giảm, nhưng giảm ở mức nào thì vẫn là ẩn số. Nếu CPI tăng chậm lại, mà lãi suất đầu ra vẫn hơn 20%/năm, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) sẽ càng khó khăn.


Nếu lãi suất giảm mạnh, CPI lại giảm chậm, nguy cơ lạm phát cao rình rập cho cả cuối năm và sang năm sau... Có lẽ lý do khiến ngành chức năng chưa muốn giảm lãi suất liên quan đến bài toán tỷ giá. Nếu lãi suất tiết kiệm VND giảm, người dân sẽ chuyển sang giữ ngoại tệ. Để giữ chênh lệch lãi suất tiền gửi USD và VND ở mức12%/năm như hiện tại (lãi suất VND là 14%, USD 2%), nên xem xét có thể giảm cả hai loại lãi suất ở mức tương đương. Việc này có hai cái lợi: Thúc đẩy người dân chuyển dịch tiết kiệm USD sang VND nhanh hơn và nhiều hơn; vẫn bảo đảm được lãi suất VND ở mức thực dương, nếu lạm phát từ tháng 7 năm nay đến tháng 7 năm sau dưới 12%. Theo ngành chức năng, vừa qua khối ngân hàng quốc doanh có mức tăng trưởng tín dụng thấp chủ yếu do huy động vốn không tăng, nên không có nguồn để cho vay. Tăng trưởng tín dụng trong quý II của Agribank, Vietcombank đều chững do không dám vượt trần lãi suất huy động, dòng tiền tiết kiệm đã chảy từ ngân hàng quốc doanh sang các ngân hàng cổ phần. Tín dụng của các ngân hàng cổ phần đều tăng, vì đa số đã "lách" vượt trần huy động. Hiện nay, các ngân hàng quốc doanh muốn đẩy tín dụng lên cũng không dễ vì lãi suất cho vay cao, DN không dám vay. Trong khi ngân hàng cổ phần có tiền lại không còn dư địa để cho vay thêm. Đã vậy, các ngân hàng quốc doanh cung ứng vốn chủ yếu cho DN nhà nước, khu vực thường sử dụng vốn kém hiệu quả, còn hỗ trợ vốn cho DN dân doanh phần lớn trông cậy vào các ngân hàng cổ phần. Nếu tăng tổng phương tiện thanh toán từ nay đến cuối năm mỗi tháng gần 2% như tháng 6, có khả năng tiền sẽ "chảy" vào khối ngân hàng quốc doanh, từ đây "chảy" vào DN nhà nước, còn DN dân doanh vẫn thiếu vốn. Như vậy có thể dẫn đến sự bất cân đối của nền kinh tế và làm giảm khả năng cạnh tranh cũng như hiệu quả của khu vực các DN tư nhân.

Do đó, để việc sản xuất kinh doanh không đình đốn, cùng lúc vẫn có thể chống lạm phát, hạ lãi suất về mức hợp lý, nên nới trần tín dụng có chọn lọc cho các ngân hàng, để tăng trưởng vốn huy động. Vấn đề hiện nay không chỉ là đưa tiền ra, mà là hướng cho dòng tiền đó "chảy" vào đúng nơi cần thiết, nơi sinh lời cao nhất, có khả năng cải thiện hiệu quả đầu tư cho nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải thiện hiệu quả đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.