(HNMO) - Ngày 17-11, Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn kinh tế 2023 - cùng doanh nghiệp “vượt sóng”.
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết, sự phục hồi ấn tượng của Việt Nam sau đại dịch Covid-19 được các tổ chức quốc tế và truyền thông nước ngoài ghi nhận. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng “đáng kinh ngạc” trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái; đồng thời, nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 7,2%. Con số này tăng đáng kể so với mức dự báo 5,3% đưa ra 4 tháng trước đó.
Có được sự phát triển như vậy là nhờ sự đóng góp liên tục và sự sáng tạo không mệt mỏi của doanh nghiệp. Tuy vậy, một bộ phận nhỏ doanh nghiệp vừa qua cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, chịu thiệt hại đáng kể do những ảnh hưởng của dịch bệnh, tác động từ kinh tế thế giới…
Hơn thế, dù khu vực doanh nghiệp đông về số lượng, nhưng quy mô và tiềm lực không mạnh, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Thống kê cho thấy, trong khi bình quân một tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có 12,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nói cách khác, cứ 10 doanh nghiệp gia nhập mới và quay trở lại thì có 7 doanh nghiệp tạm thời hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường. Điều này phản ánh khu vực doanh nghiệp vẫn bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước.
Mục tiêu của VCCI là doanh nghiệp tư nhân đăng ký chính thức theo Luật Doanh nghiệp đến năm 2025 đóng góp 15% GDP; năm 2030, đóng góp 20% GDP. Có ít nhất 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp và 10 tập đoàn tư nhân quy mô lớn trong lĩnh vực dịch vụ. Đặc biệt, sự phát triển của doanh nghiệp cũng cần phát triển theo hướng bền vững: Đến năm 2025, có ít nhất 20% số doanh nghiệp sản xuất được vận hành theo cơ chế kinh tế tuần hoàn.
Năm 2023 là năm sơ kết, đánh giá giữa kỳ các kế hoạch 5 năm về kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công, tài chính công… Các kết quả đạt được của năm 2023 sẽ là cơ sở quan trọng để nước ta tiếp tục phấn đấu thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, sơ bộ đánh giá cho thấy, năm 2023 cũng là năm dự kiến có rất nhiều khó khăn, thách thức cả trên bình diện quốc tế và trong nước.
Trước yêu cầu duy trì tăng trưởng và ổn định vĩ mô, chia sẻ tại diễn đàn, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, việc thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số là yếu tố quan trọng trong bối cảnh ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong 2 năm vừa qua, Việt Nam đã duy trì được hình ảnh đất nước không ngừng cải cách, nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần đối diện trong năm 2023. Bình diện vĩ mô chưa có thêm ý tưởng và động lực mới cho quá trình cải cách. Nếu không thực hiện cải cách thể chế triệt để, căn cơ, sẽ khó để tạo ra sức bật, thay đổi về cơ cấu nền kinh tế, môi trường đầu tư, kinh doanh.
“Sự phối hợp giữa các cơ quan trong tiến trình cải cách vẫn là nội dung cần tập trung nhấn mạnh và nghiên cứu giải quyết nhằm tạo sức mạnh cộng hưởng giúp đỡ doanh nghiệp. Trong quá trình phục hồi, cần xem xét vai trò của Nhà nước và không gian cho khu vực tư nhân phát triển, nhằm huy động toàn bộ nguồn lực cho phát triển”, bà Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.
Cùng với đó, cần tăng cường huy động và sử dụng nguồn lực trong bối cảnh mới. Phải có cơ chế để người dân yên tâm bỏ vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hoàn thiện chính sách, trong đó chính sách cạnh tranh là quan trọng để nuôi dưỡng ý tưởng kinh doanh mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.