(HNM) - Những năm qua, công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn Hà Nội đã có chuyển biến tích cực.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thanh toán khám chữa bệnh để liên thông kết quả giám định bảo hiểm y tế. Ảnh: Thái Hiền |
“Một cửa điện tử”
Hà Nội có số đơn vị và đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) rất lớn, thường xuyên biến động; lượng khách giao dịch nhiều, thường xuyên quá tải. Trước đây, khi thực hiện công việc theo cách thủ công, thường có tình trạng khiếu nại về việc thất lạc hồ sơ, giải quyết hồ sơ chậm, muộn (tỷ lệ hồ sơ chậm, muộn là 20%). Năm 2012, UBND thành phố đã đầu tư dự án ứng dụng công nghệ thông tin cho bộ phận một cửa tại BHXH Hà Nội và BHXH các quận, huyện, thị xã. Từ dự án này, trụ sở BHXH Hà Nội và 30 quận, huyện, thị xã đã có hệ thống một cửa được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, phần mềm phục vụ việc tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân, tạo thuận lợi cho khách đến giao dịch. Việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa mang lại sự thuận tiện cho người dân, bảo đảm công khai, minh bạch về thủ tục hành chính, ngăn chặn tình trạng sách nhiễu khi thực thi công vụ. Người dân chỉ phải nộp hồ sơ và nhận lại kết quả tại một đầu mối.
Từ năm 2016, BHXH thành phố được BHXH Việt Nam giao nhiệm vụ phối hợp với các vụ, ban nghiệp vụ BHXH Việt Nam triển khai, hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ trước khi triển khai trên phạm vi toàn quốc. 100% thủ tục hành chính đã được tiếp nhận và trả kết quả thông qua hệ thống phần mềm “Một cửa điện tử”. Hồ sơ được luân chuyển giữa các phòng nghiệp vụ và BHXH các địa phương theo quy trình khép kín, rõ tiến độ, trách nhiệm giải quyết hồ sơ của từng cán bộ. Tỷ lệ hồ sơ trả chậm chỉ khoảng 3% (năm 2013 là 20%), không còn tình trạng thất lạc hồ sơ.
Đến nay, theo BHXH thành phố, đã có 53.458 đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử (89,4% số đơn vị tham gia BHXH, BHYT), chủ yếu là các doanh nghiệp; số doanh nghiệp có hơn 10 lao động thực hiện giao dịch điện tử đạt tỷ lệ 98,7% với tổng số gần 3 triệu lượt giao dịch, gần 10 triệu hồ sơ. Việc thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử giúp giảm chi phí hành chính cho các doanh nghiệp.
Kết nối để nâng cao chất lượng phục vụ
Sự phối hợp với các cơ quan chức năng giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân. BHXH Hà Nội phối hợp với Bưu điện Hà Nội xây dựng quy trình liên thông giữa hệ thống quản lý bưu phẩm của bưu điện với hệ thống tiếp nhận và trả kết quả “Một cửa điện tử” của BHXH thành phố. Từ khi thực hiện quy trình liên thông, lượng hồ sơ nhận và gửi tăng nhanh; việc tiếp nhận và quyết toán giữa hai đơn vị bảo đảm nhanh chóng, chính xác.
BHXH thành phố và Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chi nhánh Bắc Hà Nội cũng đã thực hiện thí điểm việc kết nối dữ liệu với hệ thống phần mềm kế toán của BHXH thành phố đối với 392 đơn vị, doanh nghiệp. Việc kết nối giúp tiết kiệm nhân lực, tạo thuận lợi cho công tác tổng hợp số liệu thu, nợ BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị sử dụng lao động. Từ thành công bước đầu này, BHXH thành phố sẽ tiếp tục triển khai kết nối với các ngân hàng thương mại, kho bạc nơi cơ quan BHXH mở tài khoản thu BHXH, BHYT, BHTN, phấn đấu thực hiện giao dịch điện tử mức độ 4 về kê khai, thu nộp BHXH, BHYT.
BHXH thành phố cũng đã triển khai thử nghiệm việc kết nối phần mềm xét duyệt các chế độ ngắn hạn với hệ thống quản lý thu của các đơn vị viễn thông và hệ thống thông tin giám định BHYT để kiểm soát việc giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, xác định đối tượng có đi khám chữa bệnh, sinh con hay có được cấp thẻ BHYT trẻ em dưới 6 tuổi hay không. Từ kết quả thử nghiệm, BHXH thành phố đã xây dựng quy trình, hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin để ngăn chặn tình trạng lạm dụng quỹ ốm đau, thai sản. Đến nay, toàn bộ 695 điểm khám chữa bệnh BHYT đã được kết nối với hệ thống thông tin giám định BHYT, thực hiện giám định chi phí khám chữa bệnh trên phần mềm giám định điện tử.
Trong thời gian tới, theo Giám đốc BHXH thành phố Nguyễn Đức Hòa, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; tiếp tục thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính... Đó là cơ sở quan trọng để BHXH thành phố đạt mục tiêu đề ra: Đạt tỷ lệ bao phủ BHYT ở mức 85,3% và có hơn 80% số doanh nghiệp trên địa bàn tham gia BHXH, BHYT; quyết liệt giảm nợ BHXH xuống dưới 3,5%, kiểm soát chặt chẽ quỹ BHYT.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.