Cải cách chính sách lương hưu, vốn là chủ để nhạy cảm từng gây ra làn sóng đình công và biểu tình tại Pháp trong suốt năm 2023, có thể tiếp tục làm “nóng” chính trường nước này khi Văn phòng kiểm toán công độc lập chuẩn bị đưa ra kết quả đánh giá về quy mô thâm hụt lương hưu.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, vấn đề trên sẽ châm ngòi cho một cuộc tranh luận mới và tạo thêm sức ép lên chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron.
Ngay sau khi lên nắm quyền vào tháng 12-2024, Thủ tướng Francois Bayrou đã đưa ra nhiều động thái để mở lại các cuộc đàm phán với công đoàn và hiệp hội người sử dụng lao động tại Pháp về cuộc cải cách lương hưu không được lòng dân của Tổng thống Emmanuel Macron. Đây được coi là một trong những nỗ lực nhằm vãn hồi uy tín của đảng cầm quyền trước cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào năm 2027.
Trước đó, kế hoạch cải cách lương hưu của Tổng thống Emmanuel Macron đã thống nhất 42 chế độ hưu trí khác nhau thành một hệ thống duy nhất, đồng thời tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi từ năm 2030. Chính phủ cho rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động và áp lực từ sự già hóa dân số, Pháp phải đối mặt với một thách thức lớn về hệ thống hưu trí. Hiện tại, tỷ lệ người già trên 65 tuổi tại Pháp đang tăng nhanh, trong khi tỷ lệ sinh ở mức thấp, khiến số người lao động đóng góp vào quỹ hưu trí giảm dần. Tình trạng thâm hụt quỹ lương hưu ngày càng nghiêm trọng đã buộc chính phủ nước này phải xem xét lại các chính sách hưu trí trước đây để bảo đảm sự bền vững của hệ thống an sinh xã hội.
Tuy nhiên, điều khoản tăng tuổi nghỉ hưu đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các công đoàn và người dân, dẫn đến các cuộc biểu tình và đình công kéo dài trên toàn quốc. Mặc dù chính phủ đã cố gắng thuyết phục người dân về sự cần thiết của cải cách, nhưng nhiều người cho rằng, các biện pháp này sẽ gây bất lợi cho người lao động, đặc biệt là những người làm việc trong các ngành nghề vất vả hoặc điều kiện làm việc khó khăn. Họ lo ngại rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ khiến họ phải làm việc lâu hơn trong khi sức khỏe và điều kiện làm việc không bảo đảm. Dù kế hoạch cải cách hưu trí do Tổng thống Emmanuel Macron khởi xướng đã được ban hành thành luật từ năm 2023, song đây vẫn là chủ đề khiến nhiều người dân bức xúc mỗi khi nhắc tới.
Một trong những biện pháp của Thủ tướng Francois Bayrou nhằm mở đường cho các cuộc đàm phán lại vấn đề này là đề nghị cơ quan kiểm toán công độc lập đưa ra phán quyết cuối cùng trong tuần này về khoản thâm hụt lương hưu mà ông cho rằng lên tới khoảng từ 6 tỷ đến 45 tỷ euro. Nếu cơ quan kiểm toán công đồng tình với ước tính của Thủ tướng Francois Bayrou về khoản thâm hụt, điều này có thể làm suy yếu lập luận của phe cánh tả rằng, Pháp có đủ khả năng đảo ngược việc tăng tuổi nghỉ hưu.
Trong tình huống này, Thủ tướng Francois Bayrou cũng đưa ra những đề xuất để cân bằng giữa việc bảo đảm quyền lợi của người lao động và duy trì sự bền vững của hệ thống hưu trí. Một trong những giải pháp đó là tăng cường các nguồn thu khác cho quỹ hưu trí, chẳng hạn như tăng thuế đối với các doanh nghiệp lớn hoặc các ngành công nghiệp có lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, chính phủ cũng đang xem xét các biện pháp khuyến khích người lao động tiếp tục làm việc lâu hơn, đồng thời cải thiện điều kiện lao động để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người cao tuổi. Việc tăng cường đào tạo và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cũng được coi là một hướng đi quan trọng giúp người lao động có thể tiếp tục đóng góp vào quỹ hưu trí trong thời gian dài hơn.
Tuy nhiên, nếu cơ quan kiểm toán công đưa ra kết quả đánh giá ngược lại về tình trạng thâm hụt lương hưu, đây sẽ là căn cứ để những người thúc đẩy việc hạ tuổi nghỉ hưu đưa cuộc tranh luận về vạch xuất phát và có thể khiến Pháp rơi vào tình trạng hỗn loạn trở lại.
Theo nhận định của các nhà bình luận, cuộc cải cách lương hưu tại Pháp không chỉ là một vấn đề kinh tế mà còn là một bài toán chính trị phức tạp. Nó phản ánh những mâu thuẫn sâu sắc trong xã hội Pháp giữa việc duy trì các phúc lợi xã hội truyền thống và việc đối mặt với những thách thức kinh tế hiện đại. Kết quả của cuộc cải cách này không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của hệ thống lương hưu mà còn có thể định hình lại bức tranh chính trị của nước Pháp trong những năm tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.