Thế giới

Nước Pháp sau bầu cử Quốc hội:Bế tắc chính trị làm tăng rủi ro cho kinh tế

Thùy Dương 13/07/2024 - 06:47

Việc không đảng nào giành đa số tuyệt đối trong vòng hai cuộc bầu cử Quốc hội hôm 7-7, đã đẩy nước Pháp - nền kinh tế lớn thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU) vào tình trạng Quốc hội “treo” với nguy cơ bế tắc chính trị.

Các tổ chức xếp hạng tín dụng như Moody’s và S&P Global đều cho rằng, một Quốc hội "treo" có khả năng làm phức tạp thêm các hoạch định chính sách tại Pháp, trong bối cảnh quốc gia này đang phải vật lộn với nợ công cao và tăng trưởng kinh tế chậm.

kt-phap.jpg
Nền kinh tế Pháp đang đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro. Ảnh: RTE

Vòng hai cuộc bầu cử Quốc hội Pháp ngày 7-7 diễn ra đúng như lo ngại của dư luận, đó là không có lực lượng nào giành được 289 ghế cần thiết để đạt được đa số tối thiểu. Tình thế này khiến Quốc hội Pháp đối mặt tình trạng bất ổn khi cơ quan lập pháp nước này bị chia làm 3 lực lượng với các chương trình nghị sự quá khác biệt, thậm chí xung đột với nhau.

Trong tình trạng Quốc hội “treo”, Pháp sẽ phải trải qua quá trình đàm phán giữa các đảng phái chính trị để thành lập một Chính phủ liên minh. Điều này có thể khiến Quốc hội rơi vào tình trạng bế tắc trong việc thông qua chính sách.

Khả năng bế tắc chính trị hiện hữu sẽ làm phức tạp thêm cơ hội giảm gánh nặng nợ của Pháp, một vấn đề đeo đẳng nước Pháp trước khi Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi bầu cử sớm, và ngay lập tức khiến S&P Global Ratings đưa ra cảnh báo về xếp hạng nợ của nền kinh tế thứ hai EU.

Tương tự, tổ chức xếp hạng tín dụng Moody's cũng khuyến cáo, một quốc hội "treo" có thể gây nguy hiểm cho khả năng giảm gánh nặng nợ của đất nước.

Moody's cho biết trong một lưu ý: "Trước những hạn chế mà bất kỳ chính phủ nào trong tương lai phải đối mặt, chúng ta khó có thể thấy sự hợp nhất tài chính dựa trên chi tiêu vào năm 2025".

Theo tổ chức này, Pháp cũng khó có thể tiếp tục tăng thuế vì tỷ lệ thuế trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này hiện đã cao nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Thực tế là nền kinh tế Pháp đang ở trong giai đoạn khó khăn. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 15 năm là 7% vào năm ngoái, đã tăng trở lại trong năm nay khi các doanh nghiệp hạn chế sản xuất và xuất khẩu chậm lại.

Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron gần đây đã cảnh báo, tăng trưởng sẽ yếu hơn dự kiến trong năm 2024 khi đang tìm cách cắt giảm chi tiêu hơn 20 tỷ euro (khoảng 21,5 tỷ USD). Gánh nặng nợ công của Pháp đã lên tới mức tương đương hơn 110% GDP (3.010 tỷ euro), cao hơn nhiều mức mục tiêu 60% của EU.

Khi các đảng phái không có xu hướng đạt được sự đồng thuận, các nhà đầu tư lo ngại Quốc hội mới sẽ không thông qua được gói ngân sách vào mùa thu, trong đó gồm các khoản cắt giảm chi tiêu lớn nhằm tránh được nguy cơ hạ cấp thêm nữa đối với nợ công của Pháp.

Sự khác biệt giữa lãi suất mà các nhà đầu tư tính cho khoản nợ của Pháp so với Đức đã tăng lên mức chênh lệch lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, một dấu hiệu cho thấy, các nhà đầu tư đang lo ngại về khả năng quản lý tài chính của Pháp. Bất ổn chính trị đã khuếch đại nỗi lo về nợ nần của Paris, khiến lãi suất trái phiếu Chính phủ Pháp tăng mạnh.

Làm phức tạp thêm “bức tranh” kinh tế là liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP) đã giành được nhiều ghế nhất tại Quốc hội. Liên minh này đang thúc đẩy chương trình nghị sự "đánh thuế người giàu và phân phối của cải", đồng thời tuyên bố rằng, sẵn sàng phớt lờ các quy tắc tài chính của EU nếu thấy cần thiết để thực hiện cương lĩnh của mình.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã cảnh báo trong một bài đăng trên mạng xã hội X rằng, chương trình kinh tế của liên minh cánh tả có thể đẩy Pháp vào một cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế.

Kinh tế trưởng tại Ngân hàng Berenberg Holger Schmieding nhận định, tình trạng bế tắc trong Quốc hội "đánh dấu sự kết thúc các cải cách thúc đẩy tăng trưởng của ông Macron". Thay vào đó, liên minh trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron có thể sẽ phải chấp nhận đảo ngược một số sáng kiến đặc trưng của mình, bao gồm cả động thái tăng tuổi nghỉ hưu của Pháp từ 62 lên 64.

Tổng thống Emmanuel Macron đã giao trách nhiệm cho các nhà lập pháp đàm phán một liên minh rộng rãi để tạo dựng thế đa số vững chắc tại Hạ viện nhằm phá vỡ thế bế tắc sau cuộc bầu cử Quốc hội.

Dẫu vậy, các nhà phân tích đánh giá, tình huống chưa từng có hiện nay sẽ thử thách các thể chế và hiệu quả chính sách của Pháp, đồng thời việc xây dựng liên minh có thể sẽ trở nên khó khăn hơn khi cuộc bầu cử tổng thống năm 2027 đang đến gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước Pháp sau bầu cử Quốc hội: Bế tắc chính trị làm tăng rủi ro cho kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.