Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải cách chậm, lãng phí lớn

Hiền Chi| 14/12/2011 06:45

(HNM) - Điều cốt yếu của cải cách hành chính (CCHC) là công dân được hưởng gì từ cải cách, chứ không phải là cải cách những gì. Tuy nhiên, hiện tình trạng thực hiện sai quy định còn phổ biến ở nhiều đơn vị khiến người dân, DN bị ảnh hưởng quyền lợi. Để CCHC thực sự có hiệu quả trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần có quyết tâm cao cùng những biện pháp phù hợp, vững chắc, mang lại hiệu quả lâu dài.

Sai sót, chậm trễ; có hướng dẫn vẫn làm sai

Nguyên nhân cơ bản khiến thời gian giải quyết hồ sơ (HS) hành chính của công dân bị chậm so với quy định là do "một cửa liên thông" vẫn… tắc. Hầu hết các đơn vị chưa xây dựng được quy trình liên thông nên khi thủ tục bị giải quyết chậm, các đơn vị thường đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau và chỉ người dân chịu thiệt. Năm nay, ở nhiều đơn vị, số HS chưa trả được cho công dân đã lên tới hàng nghìn. Cụ thể, quận Long Biên có 1.588/14.642 HS tiếp nhận; huyện Quốc Oai: 1.007/5.993 HS tiếp nhận; huyện Gia Lâm: 1.265/ 30.727 HS tiếp nhận. Theo báo cáo của các đơn vị, hầu hết các HS bị chậm trễ này đều thuộc các lĩnh vực liên thông: Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), Tài nguyên và Môi trường (TN-MT); Văn hóa - Thông tin. Theo ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm: "HS quá hạn chủ yếu tập trung vào  lĩnh vực TN-MT, nguyên nhân là do HS đính chính kích thước, diện tích, vị trí đất ở, đất vườn, chuyển mục đích sử dụng đất nên phòng chuyên môn phải phối hợp với UBND xã, thị trấn để xác minh lại nguồn gốc và hiện trạng sử dụng đất; HS lĩnh vực LĐ,TB&XH do Sở LĐ,TB&XH thường xuyên chuyển kết quả chậm".

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại huyện Mê Linh. Ảnh: Phong Thu


Trong năm 2011, đoàn kiểm tra đột xuất công tác giải quyết TTHC của TP Hà Nội đã phát hiện Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (VPĐKQSDĐ) quận Hoàng Mai tiếp nhận HS xin cấp giấy chứng nhận (GCN) QSD đất (từ UBND các phường) không qua bộ phận "một cửa" và chưa đáp ứng được đúng thời hạn giải quyết HS hành chính của công dân. Cụ thể, trong quy trình giải quyết TTHC cấp GCN QSD đất lần đầu tại VPĐKQSDĐ. Kết quả cho thấy, sổ nhật ký tiếp nhận và trả kết quả giải quyết HS cấp GCN lần đầu không có các loại phiếu giao nhận HS. Trong sổ nhật ký có 14/18 tiêu chí không được ghi chép. Kết quả kiểm tra xác suất 18 HS cấp GCN lần đầu mà VPĐKQSDĐ quận trả về để các phường bổ sung cũng cho thấy, VPĐKQSDĐ đã không thực hiện đúng thời hạn kiểm tra đối với 18/18 HS. Cụ thể, với 9 HS kèm theo các tờ trình của UBND phường Lĩnh Nam, VPĐKQSDĐ tiếp nhận ngày 11-5-2011 nhưng tới ngày 24-6-2011 mới có văn bản hướng dẫn UBND phường hoàn chỉnh HS (chậm 23 ngày làm việc so với thời hạn quy định). Năm hồ sơ kèm theo các tờ trình của phường Tương Mai cũng bị chậm 49 ngày mới có văn bản hướng dẫn, 4 HS kèm theo các tờ trình của UBND phường Trần Phú bị chậm 28 ngày. Theo đoàn kiểm tra, thời gian từ khi công dân đã kê khai hoặc nộp đơn xin cấp GCN QSD đất đến khi hội đồng xét duyệt của phường họp còn rất chậm. Theo quy định, sau khi xét và công khai tại cơ sở, trong thời gian không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc công bố công khai kết quả kiểm tra, gửi HS tới VPĐKQSDĐ nhưng đa số các phường đều để kéo dài thời gian gửi HS. Cụ thể, phường Tương Mai đã chuyển 3 tờ trình đến VPĐKQSDĐ quận Hoàng Mai chậm hơn so với quy định gần 3 tháng; phường Lĩnh Nam cũng chuyển tờ trình của 23 HS chậm 3 tháng so với quy định; thậm chí, phường Trần Phú nộp tờ trình còn chậm 1 năm.

Việc sai sót phổ biến nữa hiện nay là tình trạng lưu thừa thành phần HS. Phòng Kiểm soát TTHC của TP Hà Nội (Văn phòng UBND TP) đã phát hiện trường hợp HS cho tặng QSD đất của ông Đặng Xuân Hòa và Đặng Lê Huỳnh (Ngọc Lâm, Long Biên) bị lưu thừa thành phần giấy khai sinh; tại huyện Gia Lâm, trường hợp HS cho tặng QSD đất của ông Lê Văn Thương (xã Dương Xá, Gia Lâm) bị lưu thừa giấy khai sinh. Tương tự, nhiều trường hợp ở phường Gia Thụy (quận Long Biên) và thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) cũng lưu thừa thành phần giấy khai sinh ở các bộ HS đăng ký lại kết hôn, đăng ký lại việc sinh. Thành phần HS hay bị lưu thừa nhất là bản sao giấy khai sinh có công chứng, hộ khẩu có công chứng. Nguyên nhân là do cán bộ thường nhầm giữa yêu cầu "xuất trình" với thành phần HS. Việc lưu thừa dẫn tới phiền hà, tốn kém thời gian và kinh phí của tổ chức và công dân. Chỉ thêm một thành phần HS cũng tốn kém rất nhiều bởi liên quan đến việc công dân phải đi lại, photo, thời gian chờ đợi xin chữ ký, đóng dấu, thời gian nghỉ việc để thực hiện… Hơn nữa, trung bình mỗi năm mỗi đơn vị tiếp nhận hàng chục ngàn HS, nếu việc lưu thừa cứ tiếp diễn thì vài năm nữa sẽ rất nan giải trong công tác lưu trữ, nhất là đối với các đơn vị có diện tích chật hẹp.

Không chỉ là cắt giảm thủ tục

Đề án đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (Đề án 30) được triển khai ở tất cả các cấp đã cho thấy hiệu quả khi lần đầu tiên Việt Nam thiết lập, công bố Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC tại 4 cấp chính quyền và công khai trên mạng internet; bộ TTHC cấp huyện, cấp xã theo hướng rút gọn từ 10.000 bộ TTHC cấp xã và 700 bộ TTHC cấp huyện xuống còn 63 bộ ở mỗi cấp. Qua Đề án 30, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát hơn 5.500 TTHC; kiến nghị bãi bỏ hơn 450 thủ tục; kiến nghị sửa đổi hơn 3.700; kiến nghị thay thế hơn 250 thủ tục. Sau khi tất cả các phương án đơn giản hóa được thực thi theo Đề án 30 sẽ cắt giảm được khoảng 37,31% chi phí tuân thủ TTHC cho người dân và DN, ước đạt gần 30.000 tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương: "Đề án 30 đã đạt được những thành công nhất định, nhưng đã đến lúc không thể thỏa mãn với kết quả đó bởi thực tế, còn những điểm chưa ổn khi nhiều DN vẫn kêu khổ khi vừa phải chiến đấu trên thương trường, vừa phải "đối phó" với TTHC và người dân vẫn còn bức xúc khi làm thủ tục". Đề xuất về việc phải tiếp tục cắt giảm TTHC tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân, ông Nguyễn Đình Cung khẳng định: "Cần phải tiếp tục cắt giảm 50% TTHC hiện hành (cắt giảm nội dung của các thủ tục chứ không phải là sửa đổi, thay thế); đồng thời cần phân định rõ những lĩnh vực nhà nước quản lý, còn lại để cho thị trường điều tiết".

Đồng tình với con số cần tiếp tục cắt giảm 50% TTHC, song ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng: "Cắt giảm chỉ là một phần, phần còn lại là khâu thực hiện ở các bộ, ngành và địa phương. Nếu không làm tốt điều này thì việc cắt giảm thủ tục chưa thể mang lại thuận lợi". Đây cũng là quan điểm chung của nhiều ủy viên Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC bởi hiện nay tiến độ thực hiện 25 nghị quyết của Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa gần 5.000 TTHC của các bộ, ngành đã bị chậm tiến độ do việc chậm sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh.

Hiện Cục Kiểm soát TTHC (trực thuộc Văn phòng Chính phủ) đang nỗ lực triển khai các công việc cần thiết nhằm thực hiện tốt Nghị định 63/2010/NĐ-CP ngày 8-6-2010 của Chính phủ về kiểm soát TTHC. Trong đó, việc đánh giá tác động (ĐGTĐ) TTHC được đặc biệt coi trọng. Cục Kiểm soát TTHC đã xây dựng bộ công cụ ĐGTĐ gồm 3 biểu mẫu đánh giá sự cần thiết, tính hợp lý và tính hợp pháp của các quy định về TTHC và việc tính toán chi phí tuân thủ TTHC. Theo ông Ngô Hải Phan: "ĐGTĐ đối với các quy định về TTHC trong các dự thảo VBQPPL là khâu quan trọng trong việc kiểm soát TTHC ngay từ đầu, nhằm nâng cao chất lượng các quy định về TTHC, cắt giảm tối đa gánh nặng trong việc thực hiện TTHC cho các cá nhân, tổ chức nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước". Đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã thành lập phòng kiểm soát TTHC (trực thuộc VP UBND tỉnh) và theo quy định các đơn vị cấp huyện, cấp xã đều phải thiết lập đầu mối thực hiện công tác kiểm soát TTHC.

Tháng 11-2011, Chính phủ đã ra Nghị quyết 30c/NQ-CP ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020. Theo đó, sự khác biệt cơ bản so với chương trình tổng thể CCHC 10 năm trước là lần này đã xác định các mục tiêu cải cách một cách cụ thể hơn cho từng nội dung, từng giai đoạn; các nhiệm vụ được cụ thể hóa bằng các chương trình, dự án, đề án, gắn với trách nhiệm  của các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, chương trình tổng thể chú trọng yếu tố con người trong cải cách, chú trọng chất lượng dịch vụ công, coi trọng yếu tố giám sát - đánh giá và tăng cường nhân rộng điển hình tốt.

Về mặt pháp lý, công cụ để thực hiện công tác CCHC đã khá đầy đủ. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện lại phụ thuộc vào con người, vào cán bộ, công chức (CBCC). Vì thế, để đạt hiệu quả toàn diện, các cơ quan chức năng cần nâng cao chất lượng CBCC; đặc biệt, cần tăng cường lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ nhiều góc độ: từ cơ quan quản lý nhà nước; từ người dân, DN và từ hiệu quả của các văn bản. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng xây dựng, ban hành quy trình đối với những thủ tục liên thông; đặc biệt, cần quyết liệt hơn với công tác CCHC, phân định rõ trách nhiệm, thưởng - phạt rõ ràng chứ không thể mãi nương nhẹ mỗi khi tổng kết đánh giá về công tác này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cải cách chậm, lãng phí lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.