Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Cái bắt tay” tạo nên hồi kết?

Quỳnh Dương| 19/11/2016 06:52

(HNM) - Sau khi ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, tình hình chính trị nhiều khu vực trên thế giới dự báo sẽ đứng trước những khả năng thay đổi, không chỉ các quốc gia Nam Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), mà cả tại khu vực Trung Đông, trong đó có

Các chuyển động quân sự cho thấy Nga sẽ dồn sức cho trận chiến tại Aleppo trong những ngày tới.


Dù đến ngày 20-1-2017, nhà sáng lập cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ thế giới mới chính thức trở thành ông chủ Nhà Trắng, song những gì mà Tổng thống thứ 45 từng nói về chính sách Mỹ - thời hậu B.Obama - với Syria khiến nhiều người có lý do để tin rằng, Nga sẽ giành thế thượng phong trong cuộc tranh giành ảnh hưởng tại quốc gia có vị trí chiến lược này. Nhận định này càng có cơ sở khi trong cuộc điện đàm hồi đầu tuần, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống đắc cử D.Trump đã nhất trí về sự cần thiết khôi phục mối quan hệ đang xấu đi giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.

Theo Điện Kremlin, Tổng thống V.Putin tuyên bố sẵn sàng đối thoại với chính quyền mới của Hoa Kỳ “trên cơ sở bình đẳng, theo nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”. Trước đó, ngay khi đắc cử, trong trả lời phỏng vấn đăng trên tờ The Wall Street Journal, nhà tỷ phú Mỹ vẫn giữ nguyên lập trường là nên tập trung nhiều hơn vào việc chống lại mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hơn là chế độ Tổng thống Bashar al-Assad. Tổng thống đắc cử Mỹ cũng đã ngầm nêu khả năng Washington sẽ ngưng trợ giúp vũ khí cho các nhóm vũ trang thuộc phe đối lập vừa quyết chiến chống chế độ B.Assad, vừa đương đầu với IS.

Với quan điểm như vậy từ Nhà Trắng, nhiều nhà nghiên cứu chính trị nhận định, tình hình hiện nay hoàn toàn có lợi để Nga có thể giải quyết dứt điểm cuộc tranh giành khốc liệt đang diễn ra tại thành phố chiến lược Aleppo. Đúng lúc "bình minh" mới vừa hé rạng tại Mỹ và tất cả chưa có gì rõ ràng, Mátxcơva được cho là sẽ gia tăng áp lực để giải quyết vấn đề Syria. Do đó, không có gì quá bất ngờ khi chiến hạm “Đô đốc Kuznetsov” của Nga và đoàn khinh hạm hộ tống đã đến gần Syria. Lực lượng hải quân hùng hậu này đã ở khoảng cách vừa đủ để có thể dội bom và nã tên lửa ồ ạt nhằm hỗ trợ quân đội của Tổng thống B.Assad. Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga ngày 18-11 cũng xác nhận, các máy bay của Nga đã thực hiện tấn công các tay súng IS ở khu vực lân cận Aleppo bằng vũ khí chính xác cao cùng các lực lượng và phương tiện hoàn toàn mới như tên lửa P-700 “Granit”, tên lửa TU-95MSM và trực thăng trinh sát mục tiêu mặt đất Ka-35... Các đòn đánh của quân Chính phủ Syria với sự hậu thuẫn của Nga sẽ nhằm vào các trung tâm chỉ huy, kho vũ khí, mục tiêu quân sự và các xưởng sản xuất vũ khí của IS và nhóm khủng bố Al Nusra.

Trên thực tế, từ lâu mâu thuẫn lớn nhất giữa Nga và phương Tây khiến mọi cuộc đàm phán đều lâm vào thế bế tắc là số phận của Tổng thống Syria B.Assad. Trong lúc Nga không muốn nhà lãnh đạo Syria có một kết cục tương tự như cố Tổng thống Libya Muammar Gaddafi, Mỹ và các đồng minh lại không từ bỏ lập trường buộc ông B.Assad phải ra đi để thay thế bằng một chế độ gần gũi với phương Tây hơn. Cục diện ở Syria được nhìn nhận là khó có thể thay đổi, thậm chí còn tồi tệ hơn nếu cuộc bầu cử Mỹ vừa qua không gây bất ngờ lớn.

Sự kiện tỷ phú D.Trump đắc cử dẫu không phải là tin vui với một bộ phận cử tri Mỹ và phần nào gây hoài nghi cho không ít đồng minh từ Châu Âu đến Châu Á, song với triển vọng giải quyết cuộc xung đột tại Syria, nhiều người dự đoán Trung Đông sẽ có một tương lai hứa hẹn hơn. “Cái bắt tay” giữa Mỹ và Nga tại khu vực này như được dự báo trong thời gian tới hẳn sẽ giúp tháo “ngòi nổ” cho cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 3 như dư luận từng lo ngại suốt thời gian qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Cái bắt tay” tạo nên hồi kết?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.