(HNM) - Mùa hè đã đến gần. Say nắng là tình trạng khá phổ biến xảy ra vào mùa hè, đặc biệt là đối với những người lao động thường xuyên ngoài trời.
Y học chỉ rõ, say nắng là tình trạng rối loạn thần kinh trung ương và các cơ quan trong cơ thể do thân nhiệt tăng quá cao. Không chỉ có biểu hiện mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu… mà người bị say nắng còn có thể dẫn đến co giật, đột quỵ. Nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn tới di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tổn thương đa cơ quan và tử vong.
Thông thường, người say nắng thường có biểu hiện sốt cao trên 39,8 độ C, lúc đầu thở sâu, mạch nhanh, sau đó là thở nông và mạch yếu, đồng tử giãn, lú lẫn, mê sảng, co giật, ngất. Sờ vào da thấy nóng và khô. Đối với trẻ em bị say nắng sẽ có biểu hiện mệt mỏi, mắt lờ đờ, cơ thể nóng ran, mặt đỏ gay, thân nhiệt có thể lên đến 40-41 độ C; mạch yếu, khó bắt hoặc không bắt được. Nếu trẻ bị nặng có thể lên cơn co giật, hôn mê.
Khi phát hiện có người bị say nắng cần nhanh chóng đưa vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bớt quần áo, chườm nước mát để hạ thân nhiệt... Cho người bệnh uống nước đường pha chút muối, hoặc dung dịch oresol. Nếu xuất hiện các triệu chứng co giật, hôn mê, cần đưa ngay tới bệnh viện để cấp cứu.
Lưu ý, không được cho người bị say nắng uống nhiều nước cùng một lúc vì làm loãng dịch dạ dày, khiến cơ thể ra quá nhiều mồ hôi, từ đó gây mất nước và lượng muối trong cơ thể, nghiêm trọng hơn còn gây chuột rút. Đặc biệt, không nên đưa người bị say nắng đến khu vực nhiệt độ quá thấp (phòng có điều hòa nhiệt độ) vì có thể gây ra sự biến đổi nhiệt độ đột ngột khiến cơ thể chưa thích ứng được, dễ dẫn đến tình trạng nguy hiểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.