(HNM) - Mấy năm gần đây, các ca ngộ độc Botulinum có xu hướng tăng lên do trào lưu sử dụng túi hút chân không và đồ hộp đựng thực phẩm. Điển hình như vụ ngộ độc pate Minh Chay hay vụ ngộ độc ở Kon Tum do người dân chế biến cá ủ muối đóng hộp… Vậy, cách nào để sử dụng thực phẩm đóng hộp an toàn?
Độc tố Botulinum được sinh ra ở môi trường yếm khí, điều kiện vệ sinh không bảo đảm trong các sản phẩm đồ hộp bị lỗi hỏng (hộp, túi bị phồng, méo mó). Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, độc tố của Botulinum có độc lực mạnh hơn độc tố của tất cả các vi khuẩn khác. Botulinum chịu được men tiêu hóa và môi trường axit nhẹ của dạ dày, mất tác dụng bởi kiềm và nhiệt độ cao. Người ăn phải thực phẩm nhiễm Botulinum thường ủ bệnh 8-10 giờ, với các biểu hiện như: Nôn, buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, yếu ớt, da khô, đau bụng, bụng chướng, táo bón, giãn đồng tử, mất phản xạ ánh sáng, liệt cơ tim...
Để bảo đảm an toàn sức khỏe, khi sử dụng thực phẩm đóng hộp hoặc đựng trong các túi ni lông hút chân không, người dân không nên dùng các sản phẩm khi thấy hộp, túi đựng bị phồng, méo vì có khả năng đã xuất hiện vi khuẩn kỵ khí, sinh độc tố. Nên chọn mua các sản phẩm còn hạn sử dụng dài ngày và ghi rõ ràng, đầy đủ thông tin: Tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về thực phẩm; xuất xứ hàng hóa, định lượng; ngày sản xuất, hạn sử dụng; thành phần, định lượng; hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản. Dùng sản phẩm đóng hộp trước khi hết hạn sử dụng và nên ăn hết ngay sau khi mở nắp. Những hộp đã mở nhưng chưa sử dụng hết không nên ăn lại vì khi đó vi khuẩn dễ xâm nhập làm biến chất thực phẩm, hại cho sức khỏe.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.