Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cách sử dụng kết dư bảo hiểm y tế chưa hợp lý

H.Vân| 08/11/2013 15:57

(HNMO) – Ngày 8/11, thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012. Điểm “nghẽn” trong quản lý, điều hành quỹ bảo hiểm y tế, cách sử dụng số kết dư bảo hiểm y tế được các đại biểu tập trung cho ý kiến.

Trước khi đi vào thảo luận trực tiếp, các đại biểu đã nghe bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội trình bày báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 – 2012.

Đi vào thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với các Báo cáo của Chính phủ và Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo các đại biểu, qua gần 20 năm thực hiện chính sách bảo hiểm y tế và 4 năm thực hiện luật, Việt Nam tuy là nước có thu nhập thấp nhưng đã gần đạt tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân. Đây là sự cố gắng lớn của Đảng, nhà nước và nhân dân ta, thể hiện quyết tâm và tính nhân văn của chính sách xã hội của Việt Nam, đồng thời góp phần quan trọng vào việc bảo vệ quyền được chăm sóc sức khỏe giúp cho nhiều người dân không bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi ốm đau, bệnh tật.

Tuy nhiên, việc thực hành chính sách bảo hiểm y tế vẫn còn những tồn tại như sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của địa phương còn thiếu chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm y tế; việc tiếp cận và cung ứng dịch vụ y tế có chất lượng hạn chế; thủ tục mua, chi trả bảo hiểm y tế cũng như thủ tục khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế còn rườm rà, việc đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và phân tuyến kỹ thuật chưa phù hợp; việc điều hành quỹ bảo hiểm y tế chưa linh hoạt và kịp thời; vấn đề y đức của các y, bác sĩ với những người sử dụng thẻ bảo hiểm trong khám, chữa bệnh... Trong số các hạn chế này, điểm “nghẽn” trong quản lý, điều hành quỹ bảo hiểm y tế, cách sử dụng số kết dư bảo hiểm y tế được các đại biểu tập trung cho ý kiến.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) nhất trí với hoạt động đầu tư và bảo toàn tăng trưởng quỹ bảo hiểm y tế như quy định hiện hành. Theo đó, nguồn vốn được thực hiện hoạt động đầu tư tăng trưởng hàng năm là toàn bộ số tiền tại thời gian nhàn rỗi, gồm có quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc, quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện, quỹ bảo hiểm thất nghiệp và quỹ bảo hiểm y tế. Toàn bộ số tiền sinh lời sẽ được đầu tư trở lại và phân bổ theo tỷ lệ vốn kết dư bình quân của từng quỹ tương ứng. Tuy nhiên, điều đại biểu Lan băn khoăn là bảo hiểm y tế Việt Nam về bản chất là bảo hiểm y tế xã hội, là một trong những loại quỹ tài chính ngắn hạn. Vậy đầu tư bảo toàn và tăng trưởng quỹ thông qua mua trái phiếu Chính phủ hoặc cho vay liệu có ảnh hưởng đến điều chuyển nguồn tài chính của quỹ nhằm phục vụ yêu cầu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hay không hoặc có phải vì việc này mà ảnh hưởng đến chất lượng danh mục thuốc dành cho khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hay không?

“Tôi đề nghị trong thời gian tới, nội dung này cần quan tâm và tránh tình trạng vì hoạt động bảo tồn và tăng trưởng quỹ mà ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế”, đại biểu Lan nói.

Đại biểu Lan cũng đề nghị soát xét kỹ những hạn chế bất cập trong việc thực hiện các chính sách về giá thuốc trong khám, chữa bệnh, nhất thiết không để mất cân đối trong nguồn tài chính cho các danh mục thuốc khám, chữa bệnh có ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; cân nhắc việc giải quyết vượt trần và vượt quỹ khám, chữa bệnh.



Đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) nhận xét, việc phân cấp quản lý quỹ bảo hiểm y tế cho các địa phương chưa được quy định rõ ràng trong Luật Bảo hiểm y tế hiện hành, chưa gắn được trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý và sử dụng quỹ, cũng như chưa quy định cụ thể thứ tự ưu tiên trong việc trích lập quỹ dự phòng và việc phân bổ sử dụng nguồn kết dư quỹ bảo hiểm y tế của các địa phương.

“Hiện nay, theo báo cáo của Đoàn giám sát cho thấy, Quỹ kết dư bảo hiểm y tế đến cuối năm 2012 lên đến gần 13 ngàn tỷ đồng và chưa được xử lý. Vì vậy, tôi đề nghị, số kết dư cần được đầu tư trở lại cho địa phương để tổ chức cung ứng dịch vụ, nâng cấp các trang thiết thị kỹ thuật y tế, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để người dân được hưởng lợi một cách công bằng từ chính sách hỗ trợ của nhà nước, qua đó khuyến khích các địa phương trong việc chủ động phát triển tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế và làm tốt công tác quản lý, sử dụng nguồn quỹ, tạo sự công bằng giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn”, đại biểu Hải nói.

Quan điểm của đại biểu Hải nhận được sự chia sẻ của nhiều đại biểu. Chung kiến nghị với đại biểu Hải, đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) phân tích, khoản tiền kết dư gần 13.000 tỷ đồng chủ yếu hình thành từ 10% số thu bảo hiểm y tế và 40% kết dư trong năm cho các địa phương có kết dư chuyển về bảo hiểm xã hội Việt Nam. Trên thực tế, tại các tỉnh miền núi do dân cư phân tán, đi lại khó khăn, xa bệnh viện, dù có bệnh, người dân cũng ít đến bệnh viện nên quỹ bảo hiểm y tế kết dư cao, còn tại các thành phố lớn thì lại bội chi quỹ.

“Điều này có nghĩa người nghèo tham gia bảo hiểm y tế để bù đắp chi khám bệnh cho người giàu, đây là một nghịch lý không thể chấp nhận được”, đại biểu Nghĩa nói.

Đại biểu Đinh Công Sỹ  (Sơn La) cũng cho là “phi lý” khi các địa phương khó khăn hơn lại phải chuyển kết dư cho các địa phương bội chi có điều kiện kinh tế phát triển hơn rất nhiều, không loại trừ bội chi do lạm dụng kỹ thuật cao và sự quản lý còn lỏng lẻo của các cơ quan chức năng trong việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.

Theo đại biểu Sỹ, nguồn kết dư hiện có là nguồn kinh phí không nhỏ và có ý nghĩa vô cùng lớn để mua sắm thiết bị, cải thiện hạ tầng trạm y tế cấp xã vốn đang xuống cấp và thiếu thiết bị phổ biến ở các tỉnh miền núi hiện nay. Việc sử dụng nguồn kết dư quỹ này cùng với nguồn kinh phí của trung ương hỗ trợ sẽ rút nhanh khoảng cách được tiếp cận với dịch vụ y tế giữa miền núi và đồng bằng.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cũng nhất trí khoản tiền kết dư quỹ bảo hiểm nên được trả lại cho các tỉnh không chi hết để đầu tư cho tuyến dưới. Tuy nhiên, đại biểu An lưu ý, nếu bội chi của các tỉnh thực sự là cho người bệnh, không phải do tiêu cực thì Nhà nước cũng cần có sự hỗ trợ.

Theo báo cáo Ủy ban về các vấn đề xã hội, cả nước hiện có trên 2.400 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) ký hợp đồng KCB bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó có trên 2.100 cơ sở KCB nhà nước, gần 300 cơ sở KCB tư nhân, khoảng 10.000 trạm y tế xã tham gia KCB BHYT. Hầu hết những bệnh nặng, mạn tính… cần điều trị dài ngày, chi phí lớn đều đưa về các bệnh viện nhà nước. Một số bệnh viện tư nhân thông qua việc cải tiến dịch vụ y tế, nâng cao y đức, thái độ phục vụ và cách ứng xử đã bắt đầu cạnh tranh mạnh với bệnh viện nhà nước trong việc thu hút số lượng đăng ký KCB ban đầu (như Bình Dương, Đắk Lắk).

Từ năm 2009 đến 2012, số lượt KCB BHYT tăng mạnh, cụ thể: năm 2009, tổng số lượt KCB BHYT là trên 92,1 triệu (trong đó trên 6,3 triệu lượt nội trú và gần 86,8 lượt ngoại trú); năm 2010, tổng số lượt KCB BHYT là gần 102,2 triệu (trong đó 8,4 triệu lượt nội trú và gần 93,8 triệu lượt ngoại trú); năm 2011, tổng số lượt KCB BHYT là trên 114,4 triệu (trong đó gần 8,9 triệu lượt nội trú và 105,5 triệu lượt ngoại trú); năm 2012, tổng số lượt KCB BHYT là 121,3 triệu (trong đó gần 10,2 triệu lượt nội trú và trên 111,1 triệu lượt ngoại trú).

Người tham gia BHYT ngày càng có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế. Năm 2009, bình quân KCB là 1,84 lượt/thẻ/năm đến năm 2012 đã tăng lên 2,04 lượt/thẻ/năm, trong đó KCB ngoại trú tăng từ 1,7 lên 1,87 lượt/thẻ/năm (phụ lục số 8). Với mệnh giá thẻ BHYT ở mức thấp so với các nước trong khu vực, nhưng người tham gia BHYT ở Việt Nam được hưởng thụ tương đối nhiều dịch vụ y tế và một số dịch vụ kỹ thuật cao, hiện đại (chạy thận nhân tạo, can thiệp tim mạch, thuốc chữa ung thư, chống thải ghép...). Việc tăng mức chi trả từ quỹ BHYT và danh mục quyền lợi tiếp tục mở rộng cho thấy vai trò quan trọng của BHYT trong việc chăm sóc sức khỏe của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách sử dụng kết dư bảo hiểm y tế chưa hợp lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.