Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng thường đưa thông tin về trường hợp trẻ bị hóc dị vật, người có con nhỏ như tôi rất lo lắng. Xin hỏi, nếu chẳng may trẻ bị hóc dị vật thì cần sơ cứu như thế nào trước khi đưa đến bệnh viện? Quỳnh Nguyên (Hoàng Hoa Thám - Hà Nội)
Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng thường đưa thông tin về trường hợp trẻ bị hóc dị vật, người có con nhỏ như tôi rất lo lắng. Xin hỏi, nếu chẳng may trẻ bị hóc dị vật thì cần sơ cứu như thế nào trước khi đưa đến bệnh viện?
Quỳnh Nguyên (Hoàng Hoa Thám - Hà Nội)
Ảnh minh họa |
- Với trẻ dưới 1 tuổi chẳng may bị hóc thạch hay dị vật hình tròn như kẹo hay hột vải, nhãn… cần sơ cứu ngay bằng cách dốc ngược đầu trẻ xuống đất (cho trẻ nằm vắt ngang đùi người lớn, bụng ép vào đùi và để đầu trẻ dốc xuống đất) rồi dùng tay vỗ mạnh vào lưng để dị vật thoát khỏi thanh môn hoặc tạo khe hở để trẻ dễ thở hơn, sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Đối với trẻ lớn hơn, người nhà đứng phía sau hoặc quỳ và tựa gối vào lưng trẻ, đồng thời vòng 2 tay ngang thắt lưng, đặt một nắm tay vào bụng - ở đầu dưới xương ức, đột ngột ấn mạnh theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên để trẻ ho, làm bật dị vật ra.
Trong số các trường hợp hóc dị vật thì hóc thạch là nguy hiểm nhất bởi miếng thạch mềm, dễ dàng thay đổi hình dáng và ôm khít lấy đường thở, khiến trẻ nhanh chóng rơi vào tình trạng ngạt thở, ngăn không cho ôxy lên não. Với trẻ chẳng may bị hóc thạch, người lớn phải sơ cứu ngay lập tức theo cách đã nói ở trên. Tuyệt đối không được dùng tay cố móc thạch ra khỏi cổ trẻ bởi việc làm này vô tình làm miếng thạch càng bị đẩy sâu vào bên trong, bịt hết đường thở của trẻ, khiến trẻ tử vong nhanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.