(HNM) - Theo quy định của Bộ Y tế, ô xy già, urê không nằm trong danh mục các loại hóa chất phụ gia được phép cho vào thực phẩm. Đối với urê, người dùng có thể bị ngộ độc cấp tính nếu ăn phải các loại hải sản như cá, mực, bạch tuộc... có dư lượng urê cao. Ăn thường xuyên dù ở hàm lượng ít, urê cũng tích tụ dần vào cơ thể, ảnh hưởng đến gan, thận, gây tiêu chảy, rối loạn thần kinh... Tuy nhiên, vì lợi nhuận nên nhiều tiểu thương vẫn bất chấp dùng urê, ô xy già để tẩy trắng hải sản (bạch tuộc, mực ống...). Vậy, làm cách nào để tránh mua phải hải sản ngâm ủ hóa chất?
Thực tế, có thể dựa vào một số dấu hiệu cảm quan để phân biệt hải sản tươi và hải sản ngâm ướp hóa chất. Theo đó, các loại hải sản khi có dấu hiệu hư hỏng luôn có mùi rất đặc trưng là mùi ươn. Ngoài ra, mô thịt thường nhão, không săn chắc tự nhiên như hải sản còn tươi sống. Với bạch tuộc tươi, chất lượng, phải còn đủ chân, tròng mắt trong sáng, có lớp da căng, bóng mịn, thân hình không trương phình. Khi chế biến, thịt săn nhưng không teo nhỏ, ra ít nước. Thịt ăn giòn, ngọt và có mùi thơm. Còn bạch tuộc ngâm hóa chất thường có màu trắng bệch, ngửi thấy mùi lạ, không có mùi tanh tự nhiên, thậm chí không còn mùi.
Đối với mực, tránh chọn những con có mùi hôi. Mực còn nguyên con, có đầy đủ râu là tốt nhất. Mực tươi sẽ có mùi đặc trưng hơi tanh, trắng trong, màng bên ngoài còn nguyên, đầu và thân mực dính liền với nhau và túi mực nguyên bên trong. Mắt mực tươi sẽ sáng, toàn bộ râu mực thấy tươi sáng, màng không rách nhiều. Các loại mực được tẩy thường có màu trắng trong, nõn nà, đồng đều, bắt mắt. Nếu mực thịt nhão, đầu không dính với thân là mực không tươi, không nên mua... Nếu mua bạch tuộc và mực đông lạnh, cần xem hạn sử dụng để tránh mua phải sản phẩm hết hạn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.