(HNM) - Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp khiến số cây xanh ngã đổ gia tăng cao tại TP Hồ Chí Minh từ đầu năm 2016 đến nay. Tại hội thảo “An toàn cây xanh đô thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh” vừa diễn ra, đại diện chính quyền, nhà khoa học… đã cùng nhau lý giải và tìm hướng phát triển bền vững cho mảng xanh đô thị.
Ngày càng nhiều cây ngã đổ
Theo Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh, hiện Sở đang quản lý hơn 130.000 cây xanh với khoảng 180 loài, trong đó, cây xanh đường phố chiếm gần 123.000 cây, còn lại là cây xanh trong công viên, với các chủng loại chủ yếu như: Sọ khỉ, sao đen, dầu, me tây, lim sét… Lượng cây này phân bố chủ yếu ở khu vực trung tâm thành phố. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng có khoảng 16.000 cây xanh thuộc danh mục cấm trồng trên đường phố, chủ yếu là bàng, trứng cá, bã đậu…
Thời gian qua, tình trạng cây xanh ngã đổ xảy ra nhiều trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. |
Từ năm 2013 đến nay, các chủng loại lim sét, sọ khỉ, phượng vĩ… có tỉ lệ ngã đổ, rơi gãy nhánh cao, gây tổn thương, thiệt hại tính mạng, sức khỏe và tài sản cho người dân. Điều đáng nói, tình trạng trên có chiều hướng gia tăng qua từng năm. Cụ thể, năm 2013 chỉ có 351 cây gãy nhánh thì từ đầu năm 2016 đến nay đã có 579 cây; trong khi, số cây ngã đổ năm 2013 chỉ có 158 cây thì năm 2016 lên 216 cây. Không những vậy, thiệt hại về người và tài sản do sự cố cây xanh gây ra cũng tăng qua từng năm.
Theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh, việc cây xanh ngã đổ tăng là do biến đổi khí hậu ngày càng bất thường, hiện tượng triều cường gia tăng; tốc độ xây dựng đô thị hóa làm thay đổi hướng gió. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là do công tác quy hoạch cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; việc cải tạo hệ thống cây xanh trên các tuyến đường còn chậm; một số cây già cỗi, sâu bệnh bên trong nhưng chưa được phát hiện, đánh giá kịp thời. Mặt khác, nhiều cây xanh bị xâm hại chưa được phát hiện, chưa có phương án bảo vệ và xử lý hiệu quả; trong khi, các chủ đầu tư, đơn vị thi công chưa quan tâm đến việc bảo vệ cây xanh khi làm đường, vỉa hè. Việc phối hợp giữa các đơn vị liên quan như viễn thông, điện lực chưa chặt chẽ, đồng bộ; công tác thông tin truyền thông đến với người dân còn yếu.
Theo ông Ngô Quang Đê, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lâm nghiệp (Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh), các đô thị của nước ta hiện chưa có quy hoạch cây xanh, nên việc trồng cây gì, trồng như thế nào chưa có chuẩn đánh giá. Bên cạnh đó, việc phát triển vườn ươm còn rất manh mún, gây bất lợi lớn cho quá trình phát triển hệ thống cây xanh bền vững.
Nâng cao tính chuyên ngành trong bảo vệ cây xanh
PGS.TS Chế Đình Lý, nguyên Phó Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên TP Hồ Chí Minh cho rằng, quan trọng nhất vẫn phải có chiến lược quy hoạch về cây xanh. Theo đó, quy hoạch sẽ căn cứ vào điều kiện khí hậu, đất đai, tính chất đường phố mà chọn cây phù hợp. Có 3 nhóm yếu tố chi phối đến quyết định chọn cây trồng đô thị gồm: Chọn loài, kích thước trồng và kỹ thuật trồng, từ đó sẽ làm thay đổi đến 16 yếu tố cơ bản cho mảng xanh đô thị như: Cung cấp bóng mát; giảm ô nhiễm không khí; tăng giá trị cảnh quan; giảm phơi nhiễm nắng; giảm xói mòn đất…
Cũng theo các nhà khoa học, cơ quan chức năng cần xã hội hóa từng phần, từng công việc cụ thể để người dân và các tổ chức xã hội tham gia. Cụ thể, nếu cây xanh đã phát triển ổn định thì nên giao cho các chi đoàn thanh niên, chi hội người cao tuổi… quản lý và chăm sóc, góp phần tăng ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ cây xanh đô thị.
Trước thực trạng quỹ đất phát triển mảng xanh ở vùng trung tâm thành phố (quận 1, 3, 5, 10, 11…) không còn, TS Đinh Quang Diệp, Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh cho hay, thành phố cần phát triển các mảng xanh ở vùng đô thị mới và vùng ven nhằm giảm sự tác động của việc bê tông hóa, có tác dụng giúp thẩm thấu nước xuống đất, góp phần chống ngập và bảo tồn nguồn nước ngầm.
Ngoài ra, giải pháp trước mắt là cần chú trọng hơn nữa công tác tuần tra, giám sát để phát hiện, xử lý kịp thời cây xanh bị xâm hại, có dấu hiệu mất an toàn, nhất là trong mùa mưa bão, để phòng tránh sự cố; nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền bảo vệ cây xanh đường phố. Về lâu dài, nhất thiết phải nâng cao tính chuyên ngành trong việc quản lý và chăm sóc cây xanh đô thị bằng việc thành lập cơ quan chuyên môn về nghiên cứu, phát triển và quản lý cây xanh; đồng thời, chủ động phối hợp với các nhà khoa học, chuyên gia, viện nghiên cứu, các trường đại học… để hỗ trợ và hiến kế các giải pháp bảo vệ và phát triển cây xanh hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.