Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cách nào giải quyết việc thiếu giáo viên dạy môn học mới ở lớp 3?

Thống Nhất| 17/10/2022 16:39

(HNMO) - Vấn đề đang được dư luận quan tâm trước kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV là tình trạng thiếu giáo viên đang khá phổ biến ở nhiều địa phương, nhất là với các môn học mới như tiếng Anh, tin học và công nghệ trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp tiểu học. Đây là hai môn học bắt buộc với học sinh lớp 3 từ năm học này, thay vì là môn học tự chọn như các năm trước. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương đang nỗ lực giải quyết bài toán thiếu giáo viên bằng nhiều cách.

Giờ học ngoại ngữ của học sinh Trường Tiểu học Yên Thường (huyện Gia Lâm).

Vẫn “vừa chạy, vừa xếp hàng” 

Năm học 2022-2023 là năm thứ ba ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, song với lớp 3 là năm học đầu tiên. Đến nay, tình trạng thiếu giáo viên vẫn xảy ra khá phổ biến, điển hình là với môn tiếng Anh, tin học và công nghệ ở lớp 3.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để dạy môn tiếng Anh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 3 năm học 2022-2023, cả nước cần thêm 3.605 giáo viên; môn tin học cần thêm 4.400 giáo viên. 

Tại Hà Nội, năm học 2022-2023, toàn thành phố thiếu hơn 10.000 giáo viên, trong đó cấp tiểu học thiếu hơn 3.400 giáo viên - là cấp học thiếu nhiều nhất. Theo ghi nhận thực tế, các trường tiểu học trên địa bàn thành phố đều đã chủ động có phương án giải quyết bài toán thiếu giáo viên bằng nhiều cách, song vẫn ở tình trạng “vừa chạy, vừa xếp hàng”. Các nhà trường đã ký hợp đồng để bổ sung giáo viên; kết nối với các trường trên cùng địa bàn quận, huyện, thị xã để hỗ trợ, chia sẻ nguồn giáo viên; động viên đội ngũ giáo viên hiện có dạy tăng tiết để tạm thời giải quyết tình trạng thiếu giáo viên... 

Bà Ngô Nguyệt Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm) thông tin, để giải quyết bài toán thiếu giáo viên dạy tiếng Anh, tin học và công nghệ lớp 3, nhà trường đã nhờ sự hỗ trợ của các trường trên cùng địa bàn quận. Những trường có thuận lợi về nguồn giáo viên cùng hỗ trợ, chia sẻ với các trường thiếu giáo viên. Với cách thức này, về cơ bản, các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được nhà trường triển khai đúng quy định.

Còn theo bà Đỗ Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy), như các năm trước, học sinh lớp 3 học theo chương trình hiện hành, tiếng Anh là môn học tự chọn với thời lượng 2 tiết/tuần thì số lượng giáo viên của trường đáp ứng đủ. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tiếng Anh là môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 3, thời lượng 4 tiết/tuần. Để bảo đảm dạy đủ số tiết theo quy định, nhà trường phải ký hợp đồng bổ sung giáo viên. 

Giải quyết việc thiếu giáo viên, cách nào? 

Ngày 18-7-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 72-QĐ/TƯ về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ở trung ương, các tỉnh, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026, với 65.980 biên chế giáo viên được giao bổ sung.

Ở Hà Nội, tại kỳ họp thứ chín, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI cũng đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh tổng biên chế hành chính sự nghiệp năm 2022 và phân bổ biên chế giáo viên năm học 2022-2023. Theo đó, các trường mầm non, phổ thông công lập được bổ sung 2.361 biên chế giáo viên. Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết đã phân bổ 452 biên chế giáo viên cho các trường trực thuộc, dự kiến tổ chức tuyển dụng trong tháng 11-2022. Tuy nhiên, để giải quyết bài toán thiếu giáo viên trước mắt, các nhà trường cần căn cứ tình hình thực tế, ưu tiên nguồn lực hiện có, ký hợp đồng thêm giáo viên để bảo đảm 100% học sinh lớp 3 học tiếng Anh, tin học và công nghệ. 

Phía Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để bảo đảm 100% học sinh lớp 3 được học hai môn học này theo đúng lộ trình. Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, các địa phương đã tích cực xây dựng kế hoạch chuẩn bị các điều kiện dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Năm học 2020-2021, cả nước có 66,2% trường tổ chức dạy tin học cho học sinh cấp tiểu học, trong đó có gần 66% số học sinh lớp 3 được học tin học theo hình thức tự chọn. Việc học ngoại ngữ cũng đã được triển khai ở nhiều nơi. 

Tuy nhiên, khó khăn chung của các địa phương hiện nay là thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học và công nghệ để dạy đủ số tiết theo quy định. Để bảo đảm 100% số học sinh lớp 3 được học hai môn này theo quy định của chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn cụ thể về các giải pháp. Nơi nào thiếu giáo viên có thể sử dụng giáo viên dạy liên trường; bố trí giáo viên cấp trung học cơ sở dạy tiểu học... 

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng lưu ý các địa phương, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho phép linh hoạt khi triển khai, các nhà trường không nhất thiết phải dạy từ đầu năm học mà có thể triển khai căn cứ tình hình thực tế, miễn sao dạy đủ cho học sinh số tiết theo yêu cầu và bảo đảm kiến thức cần đạt. Như vậy, việc bố trí thời khóa biểu, kế hoạch dạy học phụ thuộc vào điều kiện giáo viên có thể thực hiện linh hoạt ở thời điểm khác nhau.

Cũng theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, địa phương nào thực hiện các giải pháp nói trên nhưng vẫn chưa bảo đảm đủ giáo viên thì có thể ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình dạy học để nối các điểm cầu, có trợ giảng điểm cầu hỗ trợ bài giảng cho học sinh...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách nào giải quyết việc thiếu giáo viên dạy môn học mới ở lớp 3?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.