Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cách nào ghìm cương tốc độ tăng CPI?

Anh Minh| 03/11/2012 08:50

(HNM) - Đúng như nhận định của một số cơ quan chức năng, mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 10 đã chậm lại so với mức rất cao 2,2% tháng trước.

Hai nhóm y tế và giáo dục vẫn tác động mạnh

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 10 của cả nước tăng 0,85% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tiếp tục tăng cao ở mức 5,94%, nhóm giáo dục tăng 1,88%. Có thể đánh giá sơ bộ rằng, mức tăng của hai nhóm này là nguyên nhân chủ yếu tác động mạnh nhất đến xu hướng tăng CPI.

Chọn mua thực phẩm tại siêu thị Co.opMart. Ảnh: Thanh Hải


Phân tích sâu hơn có thể thấy sự thay đổi của một số nhóm hàng trong rổ hàng hóa tính CPI. Nếu như thời gian trước, CPI chịu ảnh hưởng nhiều từ việc tăng hoặc giảm (chủ yếu là tăng) của nhóm hàng ăn, lương thực và thực phẩm thì những tháng gần đây vấn đề này đã "nhẹ" đi nhiều, phần lớn chỉ tăng nhẹ, có lúc giảm nhẹ. Thực tế này thể hiện sự dồi dào về nguồn cung lương thực, thực phẩm đã mang lại sự ổn định đời sống hằng ngày và giữ vững an sinh xã hội. Trong khi đó, chỉ số giá của nhóm bưu chính viễn thông từ lâu không tăng, thậm chí có tháng còn giảm, do tác động tích cực từ việc mở cửa thị trường, cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà cung cấp dịch vụ.

Vấn đề đặt ra là dự báo về diễn biến CPI 2 tháng tới, với sự tham gia của nhiều yếu tố và sự tương tác qua lại để làm chủ tình hình. Sức mua và diễn biến thị trường ở hai thành phố lớn, có ảnh hưởng rõ rệt đến CPI là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy đà tăng ngày càng chậm lại. Tháng 10, CPI Hà Nội chỉ tăng 0,37% và TP Hồ Chí Minh tăng 0,4% so với tháng trước, cho thấy thực trạng "lì" trên thị trường, chủ yếu do sức mua đang ở ngưỡng gần như bão hòa.

Tránh tăng giá những mặt hàng nhạy cảm

Trong 2 tháng tới, Chính phủ, các bộ, địa phương sẽ tập trung điều hành thị trường theo hướng thận trọng và cố gắng ở mức tối đa để không tăng giá đối với một số mặt hàng thiết yếu nhưng nhạy cảm, có sức ảnh hưởng mạnh như xăng dầu, điện, gas - những tác nhân "kéo" CPI tăng cao. Tuy nhiên, đó là ý chí chủ quan, bởi khoảng 2/3 nhu cầu sử dụng nội địa đối với các loại nhiên liệu nói trên đều phải nhập khẩu, phụ thuộc vào diễn biến giá thế giới. Trong bối cảnh bất ổn định, thậm chí có thể rơi vào khủng hoảng tại khu vực Trung Đông như hiện nay, cơ quan điều hành cũng như DN đầu mối nhập khẩu khó dự báo chính xác về sự thay đổi giá xăng dầu. Vì vậy, một số ý kiến khuyến nghị DN nên mạnh dạn triển khai các phương án phòng ngừa để chủ động nguồn nhập nhiên liệu, đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, tăng cường công tác dự báo, nắm bắt và phân tích thông tin thị trường… nhằm góp phần bình ổn giá cả thị trường.

Theo Bộ Công thương, quý IV là thời điểm vi phạm quy định quản lý thị trường (QLTT) sẽ phức tạp hơn, ảnh hưởng xấu đến thị trường. Bộ sẽ chỉ đạo lực lượng QLTT triển khai những đợt ra quân trên diện rộng, tập trung vào một số nhóm hàng hoặc địa bàn nóng để phát hiện, triệt phá các ổ sản xuất, tiêu thụ hàng giả, ngăn chặn tình trạng sử dụng hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Việc kiểm tra cũng nhằm phòng chống nạn găm hàng, gây hiệu ứng khan hàng giả tạo và tăng giá bất hợp lý để lành mạnh hóa thị trường, khống chế lạm phát.

Các chuyên gia dự báo, chỉ số giá 2 tháng tới sẽ chỉ tăng ở mức thấp do thị trường đang ổn định, sức mua của đại bộ phận người tiêu dùng không tăng. Mặt khác, chỉ số giá của nhóm giáo dục sẽ khó có thể tiếp tục tăng do đã qua thời điểm "nóng"; xu hướng hạ giá để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của nhiều DN. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cảnh báo về "thói quen" tăng giá vào dịp cuối năm để cơ quan quản lý chủ động theo dõi, điều chỉnh hợp lý…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách nào ghìm cương tốc độ tăng CPI?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.