Thế hệ các họa sĩ Việt Nam được đào tạo từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925-1945) là những người đầu tiên đặt nền móng cho nền hội họa hiện đại Việt Nam. Họ là những người khai phá con đường đi tìm tiếng nói riêng cho ngôn ngữ hội họa dân tộc và nhiều người đã để lại những dấu ấn riêng đậm nét.
Kết nạp Đảng trong chiến hào Điện Biên Phủ - Tranh sơn mài của Nguyễn Sáng
Tranh lụa có Nguyễn Phan Chánh, sơn dầu có Tô Ngọc Vân và sơn mài có Nguyễn Gia Trí. Họ đã làm một cuộc cách mạng khi khai thác thành công các chất liệu để thể hiện tâm hồn Việt, tính cách Việt và thần thái Việt. Đặc biệt họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã nâng tầm chất liệu sơn mài lên thành một chất liệu hội họa độc đáo mang tính đặc thù của nước ta. Chơi ô ăn quan của Nguyễn Phan Chánh, Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân, Vườn hoa Bắc Trung Nam của Nguyễn Gia Trí đã trở thành những tác phẩm kinh điển. Cùng góp phần khẳng định vị thế riêng của hội họa Việt Nam khi đất nước còn chìm trong bóng tối nô lệ có các họa sĩ bậc thầy nhưTrần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Văn Tỵ, Tạ Thúc Bình... Trước Cách mạng Tháng Tám, đề tài chủ yếu trong tranh họ chủ yếu là những thiếu nữ đài các trong áo dài thướt tha. Một không khí tĩnh lặng buồn man mác bao phủ không gian trên tranh. Những đôi mắt buồn e lệ hoặc nhìn xa xăm vô định. Thiếu nữ bên hoa sen, thiếu nữ bên hoa cúc, thiếu nữ ngoài hiên, thiếu nữ đan len...
Không thể hình dung nổi các họa sĩ sẽ quanh quẩn trong đề tài này đến bao giờ nếu không có cuộc Cách mạng tháng Tám. Tình cảm dồn nén bấy lâu khi sống trong một xã hội bị kìm kẹp dưới ách đô hộ của thực dân, nghệ thuật của họ xa rời thực tế, xa rời cuộc sống đói khổ cùng cực của người dân trên mọi miền Tổ quốc - nghệ thuật của họ chưa nói lên được tiếng lòng của dân tộc. Cách mạng Tháng Tám đã làm họ bừng tỉnh: từ đây sự nghiệp của họ sẽ gắn liền với vận mệnh của đất nước, của dân tộc.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời mở đầu cho một thời kỳ lịch sử oanh liệt huy hoàng của đất nước. Mỹ thuật Việt Nam cũng đứng trước một bước ngoặt lớn. Như lời họa sĩ Lưu Yên, viễn cảnh độc lập, tự do của dân tộc đã giúp giới tạo hình thoát khỏi cái kén hiện thực lãng mạn mà họ đã dựng nên trong hai thập kỷ nghệ thuật dưới chính quyền thuộc địa bằng những mộng mơ về một thế giới không thực. Ngay từ những ngày đầu, hầu hết các họa sĩ xuất thân từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã tham gia đầy nhiệt huyết vào sự nghiệp cách mạng. Nguyễn Tư Nghiêm ở trong ủy ban khởi nghĩa huyện Thanh Chương, Nghệ An; Huỳnh Văn Gấm ở trong ủy ban khởi nghĩa tỉnh Long An, Nam Bộ; các họa sĩ ở Hà Nội tập trung tại trường Mỹ thuật vẽ tranh cổ động lớn để đặt trên những ngả đường chính của Thủ đô. Áp phích Việt Nam của người Việt Nam của Trần Văn Cẩn phủ kín cửa nhà địa ốc Ngân hàng; một hình tượng anh thương binh chống nạng cao khoảng mười thước cắt bằng gỗ dán, với đôi mắt như muốn hỏi: Anh đã làm gì cho tiền tuyến ? của Nguyễn Sáng, được dựng trước nhà Taverne Royale phía hồ Hoàn Kiếm...
Một bước chuyển biến lớn từ nghệ thuật “salon” với đối tượng hạn hẹp, nay“xuống đường” cùng với đông đảo nhân dân trong ngày hội độc lập. Các họa sĩ tiếp nhận Đề cương văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam với ba nguyên tắc: dân tộc, khoa học, đại chúng, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ cách mạng giao cho: Nguyễn Đỗ Cung, Mai Văn Hiến vẽ giấy bạc tài chính; Nguyễn Sáng vẽ tem, Huỳnh Văn Thuận, Lê Phổ triển lãm tranh khắc gỗ màu về tăng gia sản xuất và bình dân học vụ; Dương Bích Liên, Quang Phòng làm báo tường “ Thủ đô chuẩn bị” khổ lớn tại bến xe điện bờ hồ...
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Thực tế sôi động của cuộc kháng chiến đã làm dấy lên trong các nghệ sĩ những tình cảm nồng nhiệt, lôi cuốn họ vào niềm say mê sáng tạo. Hình tượng anh bộ đội, chị dân công, những nông dân miền núi, miền xuôi trên đồng ruộng, nương rẫy, những công nhân trong các công binh xưởng, những cảnh sản xuất, chiến đấu đã trở thành chủ đề chính trong tranh của họ. Trong hoàn cảnh hết sức hạn chế về thời gian và phương tiện, hoạt động mỹ thuật vẫn diễn ra sôi nổi mạnh mẽ. Những năm đầu kháng chiến có hai trung tâm mỹ thuật : Một là xưởng họa Xuân Áng (Phú Thọ, Việt Bắc) với Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tư Nghiêm... ngoài việc khắc in tranh tuyên truyền, còn chuyên tâm nghiên cứu làm giàu cho bảng màu sơn mài như tác phẩm: Dân quân, Bộ đội nghỉ chân trên đồi của Tô Ngọc Vân hay Trạm gác của Nguyễn Tư Nghiêm. Xưởng họa thứ hai ở Quần Tín ( Liên khu bốn) cho ra đời những sáng tác có giá trị như: Cái bát của Sĩ Ngọc, Hạnh phúc - phù điêu của Nguyễn Thị Kim, Dân quân Cảnh Dương - tranh in đá của Phạm Văn Đôn... và nội san mỹ thuật in rônêô. Nhiệm vụ đào tạo lực lượng trẻ cũng được quan tâm. Tô Ngọc Vân, Quang Phòng mở lớp vẽ ở Trung đoàn Thủ đô, Nguyễn Đỗ Cung mở lớp vẽ ở Liên khu năm; Bùi Xuân Phái, Thân Trọng Sự, Mai Văn Nam mở lớp vẽ ở Liên khu ba. Năm 1950 Chính phủ trao cho Tô Ngọc Vân chức hiệu trưởng và cùng với Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Văn Tỵ, Sĩ Ngọc chính thức mở trường Mỹ thuật kháng chiến tại Việt Bắc, đào tạo lớp họa sĩ trẻ phục vụ ngay trong kháng chiến. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp còn có hai cuộc triển lãm mỹ thuật lớn được tổ chức ở Việt Bắc và những cuộc tranh luận công khai trên báo chí về “Tranh tuyên truyền và tranh nghệ thuật”, về “tranh sơn mài”, về “ học hay không học” nghệ thuật...
Kể từCách mạng Tháng Tám năm 1945, một chân trời nghệ thuật mới đã mở ra cho những thế hệ họa sĩ nối tiếp nhau đem hết tài năng và tâm sức của mình phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Tiếng nói nghệ thuật của họ là tiếng nói của một đất nước độc lập, tự do và tràn đầy niềm tự hào.
Nguyễn Thu Thủy(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.