(HNMCT) - Số hóa bảo tàng là một xu hướng mang tính thế giới. Theo phương châm “nếu bạn không trực tuyến, bạn không tồn tại”, rất nhiều bảo tàng lớn trên thế giới đã tập trung phát triển chiến lược truyền thông nhằm tiếp cận công chúng xuyên biên giới với mục đích quảng bá văn hóa.
Những bảo tàng ảo hấp dẫn
Ngày nay, không khó để người xem toàn cầu tiếp cận được bộ sưu tập quý giá của những bảo tàng hàng đầu thế giới.
Tọa lạc tại Viale Vaticano - Roma (Italia), Bảo tàng Vatican là một trong những bảo tàng lớn nhất trên thế giới. Công trình kiến trúc vĩ đại này là tài sản quý giá của thủ đô Roma và tòa thánh Vatican. Nơi đây trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật quý giá từ các bộ sưu tập lớn được Giáo hội Công giáo La Mã tạo dựng trong suốt nhiều thế kỷ. Chính vì vậy, Bảo tàng Vatican là điểm đến mơ ước của mọi tín đồ nghệ thuật trên thế giới.
Tuy nhiên, giờ đây, chỉ cần truy cập địa chỉ http://www.museivaticani.va và làm theo hướng dẫn, công chúng đã có cảm giác như được bước chân vào trong bảo tàng. Trần nhà hình vòm cao vút, những bức tranh tường và thảm trang trí phức tạp được tái hiện chân thực bằng hàng loạt hình ảnh 3D sinh động đến mức khiến người xem kinh ngạc. Bảo tàng ảo này còn cho phép du khách đi dạo trong những hành lang ở Nhà nguyện Sistine, thăm thú không gian bên ngoài bảo tàng, đến các địa điểm nổi tiếng như Vương cung thánh đường và Quảng trường Saint Peter...
Cũng vô cùng nổi tiếng trong lĩnh vực bảo tàng, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London (nhm.ac.uk) giờ đây không còn là địa điểm xa lạ đối với phần lớn công chúng trên khắp thế giới nữa. Chỉ bằng thiết bị kết nối internet, công chúng có thể chiêm ngưỡng bộ sưu tập khổng lồ của bảo tàng, từ các động vật thời tiền sử, thực vật học, tinh thể khổng lồ đến các mẫu vật trong lọ... thông qua hình ảnh 3D chân thực.
Ngoài ra, hàng loạt bảo tàng lớn khác trên thế giới cũng cho phép công chúng tiếp cận bộ sưu tập quý giá của mình thông qua các bảo tàng ảo. Bảo tàng Rijksmuseum, Amsterdam (rijksmuseum.nl) cung cấp miễn phí một bộ sưu tập lớn tác phẩm nghệ thuật và lịch sử trên 80 phòng trưng bày. Công nghệ 3D tour giúp khán giả như đang đứng trước tác phẩm của danh họa Vermeer, Rembrandt...
Còn trên trang web của Bảo tàng Anh (britishmuseum.org), du khách sẽ thực sự kinh ngạc khi được biết trên trần nhà mái vòm của tòa nhà lớn có 3.212 ô kính, không có ô nào giống nhau, và chế độ xem 360o trong chuyến tham quan ảo này cho phép người xem có thể kiểm tra từng ô. Ngoài không gian tráng lệ này, người xem còn có thể chiêm ngưỡng những hiện vật vô cùng quý giá như hòn đá Rosetta, xác ướp Ai Cập và các kỳ quan cổ đại khác...
Hướng tới quảng bá tri thức và văn hóa
Hầu hết các tour tham quan bảo tàng ảo của các bảo tàng lớn trên thế giới hiện nay đều đang được cung cấp miễn phí, cho thấy mong muốn tiếp cận công chúng rộng rãi hơn. Nhiều bảo tàng tham gia rất tích cực trên môi trường trực tuyến. Mạng lưới phòng trưng bày nghệ thuật Tate Gallery (Anh) cho biết, các cuộc triển lãm và bộ sưu tập tại Tate được quảng bá qua nhiều kênh truyền thông xã hội như World Wide Web, Twitter, Facebook, YouTube, Google, Instagram, Pinterest và Tumblr.
Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở New York đã áp dụng cách thức tương tự đối với mạng xã hội và cho hay, cách làm này làm tăng đáng kể khả năng tiếp cận của các bộ sưu tập vì nó thu hút cả du khách thực và ảo đến bảo tàng. Tại Hà Lan, sứ mệnh của tổ chức Foundation Our Museum là giới thiệu nghệ thuật và văn hóa đến lượng khán giả lớn nhất có thể và làm nổi bật sự phong phú, đa dạng của các bảo tàng, di sản văn hóa Hà Lan.
Môi trường kỹ thuật số cũng làm tăng đáng kể vai trò của các bảo tàng trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển giáo dục. Các nhà khoa học, học giả và sinh viên trên toàn thế giới có thể nghiên cứu các bộ sưu tập bảo tàng thông qua siêu dữ liệu và dữ liệu mở. Tuy nhiên, tốc độ số hóa và đưa lên mạng của các bảo tàng trên thế giới hiện nay đều chưa đạt mức kỳ vọng, chủ yếu do những trở ngại liên quan tới vấn đề bản quyền. Một nghiên cứu cho thấy, 86% tổ chức sưu tầm coi số hóa các bộ sưu tập là vấn đề ưu tiên của họ, tuy nhiên, chỉ 26% tổ chức tham gia nghiên cứu “có thể xác nhận rằng họ sẽ đạt được mục tiêu trong vòng 10 năm tới”, còn lại đều khó dự đoán bởi những ràng buộc liên quan tới bản quyền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.