Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cách làm mới ở Mỹ Đức

Nguyễn Mai| 14/08/2013 06:10

(HNM) - Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 7 (khóa X) và Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện Mỹ Đức mới đây, nhiều tham luận nêu bật bước chuyển mạnh mẽ ở Mỹ Đức, (nơi vẫn được coi là huyện nghèo của Hà Nội) với những con số ấn tượng cả về bề nổi ở cơ sở hạ tầng được triển khai đồng bộ và bề sâu trong tư duy, cách nghĩ, cách làm nông thôn mới (NTM).

Những con số ấn tượng

Về xã Hồng Sơn bây giờ sẽ thấy trục đường bê tông nối dài các ngõ xóm, các thôn làng thay thế những con đường đất bé nhỏ trước đây. Là xã thuần nông, đời sống người dân chưa phải đã giàu, song nhiều hộ đã sẵn sàng ủng hộ hàng chục triệu đồng để làm đường ngõ xóm. Riêng ở thôn Cống Đặng, nhiều hộ như ông Trần Duy Ren ủng hộ 150 triệu đồng; ông Trần Duy Lợi ủng hộ 74 triệu đồng để đổ bê tông đường xóm… đã trở thành hình ảnh đẹp đọng lại trong tâm trí người dân. Bí thư Đảng ủy xã Hồng Sơn, Lê Thành Chung cho biết, nhờ sự đóng góp của nhân dân mà hàng chục kilômét giao thông được hoàn thành. Theo ông Chung, cả xã đã có trên 13km đường liên thôn, đường ngõ xóm được cứng hóa chiếm trên 94%. Những con đường nội đồng vốn xưa kia là đường đất cũng đã được bảo dưỡng thường xuyên hơn, trong đó, những tuyến chính đều đã được cứng hóa. Nhờ vậy, mà đời sống người dân ngày một khá. Nếu như năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn 20% thì đến năm 2012 đã giảm xuống còn 5,4%.

Không riêng gì Hồng Sơn, hằng năm từ nguồn vốn của các chương trình, dự án, Mỹ Đức đã huy động vốn để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất. Ước tổng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi 5 năm (2008- 2013) hơn 401 tỷ đồng. Nhờ vậy, đã tác động mạnh đến nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 15,5 triệu đồng, tăng 8,9 triệu đồng so với năm 2008. Con số thống kê mới đây của huyện cho thấy đời sống người dân đã thực sự nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh, từ 20,24% năm 2008 xuống còn 6,9%.

Đến đổi mới tư duy

Không dừng lại ở những con số ấn tượng về cơ sở hạ tầng, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp xã An Mỹ, Nguyễn Văn Tài hăng hái khi nói về các mô hình luân canh đa dạng của xã viên như: ngô bao tử - lúa mùa - đậu tương đông; bí xanh - lúa mùa - lạc đông hay khoai lang xuân - lúa mùa - bí xanh đông… đã quay vòng tối đa hệ số sử dụng đất nông nghiệp. Bên cạnh luân canh, HTX còn vận động nhân dân chuyển đổi diện tích cấy lúa hiệu quả thấp sang các mô hình lúa - cá, chăn nuôi - cây ăn quả. Đặc biệt, sau dồn điền đổi thửa, nông dân An Mỹ đã áp dụng phương thức gieo sạ lúa bằng giàn kéo tay. "Nếu như năm 2010, diện tích lúa gieo sạ ở đây chỉ mới 10ha thì đến vụ xuân năm 2013 đã tăng lên 290ha đạt trên 90% diện tích. Cách làm này vừa giúp giảm ngày công lao động cho nông dân mà còn tăng hiệu quả sản xuất lúa 4-4,5 triệu đồng/ha so với cấy truyền thống" - ông Tài cho biết.

Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Lê Văn Sang khẳng định: Cái được lớn nhất sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X và 3 năm thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy đó chính là sự đổi mới tư duy sản xuất, kinh doanh, quản lý, lãnh đạo trong hệ thống chính trị và người dân. Trên địa bàn các xã đến nay đều đã có quy hoạch và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch nên nông thôn quy củ hơn; cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi được chuyển dịch tích cực, hình thành được các vùng sản xuất tập trung. Trong 5 năm qua, Mỹ Đức đã phê duyệt một loạt các quy hoạch như quy hoạch sản xuất nông, lâm và thủy sản, đề án chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, quy hoạch vùng sản suất lúa hàng hóa chất lượng cao ở 10 xã ven sông Đáy và đang triển khai ở nhiều xã khác. Ngoài ra, Mỹ Đức đã tập trung phát triển làng nghề tổ chức 69 lớp dạy nghề cho 4.165 lượt người tham dự… tạo được việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Mặc dù còn khó khăn, một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa tích cực, chủ động quyết liệt và tập trung bám sát yêu cầu trong xây dựng NTM, còn tư tưởng trông chờ cấp trên; sản xuất nông nghiệp quy mô còn nhỏ lẻ, phân tán, tỷ lệ người dân được dùng nước sạch chưa cao (4,5%)… Nhưng nhìn chung, đời sống người dân đã có những chuyển biến rõ nét, một NTM, cung cách làm ăn mới đang hiển hiện trên vùng đất sâu, xa, khó khăn nhất ở Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách làm mới ở Mỹ Đức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.