Tiêu thụ quá nhiều đường cũng có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc đối với sức khỏe. Vì vậy, cách tốt nhất là nên kiểm soát lượng đường vào cơ thể.
Ai cũng biết, đường giúp chúng ta tăng năng lượng, phục vụ các hoạt động của cơ thể nhưng lượng đường cung cấp vào cơ thể chỉ cần cao lên một chút cũng có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc đối với sức khỏe.
Tiêu thụ quá nhiều đường có thể gây ra những nguy hại với sức khỏe như sau:
- Có hại cho não: Cơ thể tiêu thụ một lượng đường fructose cao thực sự có ảnh hưởng và làm chậm quá trình hoạt động của não, cản trở bộ nhớ. Hơn thế, hàm lượng fructose cao có thể dẫn đến sự đề kháng insulin, mà insulin lại quy định chức năng của dây thần kinh trong não.
- Giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng: Những người ăn nhiều đường thì khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu rất thấp, đặc biệt là vitamin A, C, B12, canxi, phốtpho, magiê và sắt... Từ đó gây ra ảnh hưởng không tốt đến chức năng miễn dịch của cơ thể, tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, béo phì và tiểu đường gây nên các bệnh ung thư.
- Hại tim: Việc bổ sung một lượng đường nhiều dễ khiến người sử dụng phải đối mặt với nguy cơ huyết áp cao, mức độ chất béo trung tính cao, gây ra đột quỵ hay các chứng viêm liên quan tới bệnh tim.
- Tăng cân: Các loại thực phẩm chứa nhiều đường cũng sẽ cung cấp một lượng lớn calo làm cho bạn nhanh chóng tăng cân hơn nếu tiêu thụ chúng.
- Lão hóa: Một phần lượng đường bạn hấp thụ sau khi vào trong máu cũng trở thành protein. Những phân tử protein mới này góp phần làm mất đi tính đàn hồi của các mô, dẫn đến lão hoá ở da và các bộ phận khác.
- Tiểu đường: Tiêu thụ quá nhiều đường có thể dẫn đến tăng cân và nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2 vì nó làm tăng lượng đường trong máu.
Làm thế nào để kiểm soát việc tiêu thụ đường?
Các cách sau đây có thể giúp bạn hạn chế tiêu thụ nhiều đường để giữ gìn sức khỏe.
Chọn sữa tách kem thay cho đồ uống có đường
Chuyên gia y tế đề nghị không nên tiêu thụ nhiều nước tăng lực, nước trái cây và nước giải khát bởi vì các loại đồ uống này có chứa một lượng đường khá cao. Thay vào đó, bạn có thể uống sữa tách kem và nhiều nước để khỏe mạnh hơn.
Không dự trữ thực phẩm có đường
Bánh, kẹo các loại đều có chứa đường và chỉ cần ăn một cái bánh hay kẹo là bạn đã bổ sung một lượng đường vào cơ thể. Cách tốt nhất là nên để các loại thực phẩm có đường này ở xa tầm tay để tránh việc bạn cứ vô tư ăn mà không để ý đến lượng đường trong chúng.
Rất khó để thay đổi một thói quen ngay lập tức. Vì vậy, hãy thay đổi dần dần. Thay vì mua những gói bánh kẹo to hãy mua những gói nhỏ hơn để ăn ít hơn và do đó lượng đường vào cơ thể bạn cũng giảm đi. Dần dần, bạn có thể bỏ hẳn thói quen ăn bánh kẹo này hoặc chỉ thỉnh thoảng mới ăn một vài cái.
Dùng ngũ cốc cho bữa sáng
Nhiều người ăn bánh ngọt cho bữa sáng vì cho rằng đó là cách tốt nhất để tăng năng lượng vào buổi sáng. Mặc dù bổ sung thực phẩm có một lượng đường thích hợp có thể làm tăng mức độ năng lượng của bạn, nhưng tiêu thụ quá nhiều đồ ăn có đường sẽ gây hại cho sức khỏe. Để duy trì sự cân bằng thích hợp, hãy ăn ngũ cốc vào bữa sáng thay cho bánh ngọt.
Tuy nhiên, hãy kiểm tra các thành phần có trong ngũ cốc để đảm bảo chúng không chứa quá nhiều đường. Hơn nữa, các loại ngũ cốc là một lựa chọn lành mạnh để duy trì lượng đường vừa đủ trong cơ thể bạn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.