4 ngày Hội nghị Davos của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nhiều tỷ phú, CEO các doanh nghiệp hàng đầu nêu lo ngại về chiến tranh thương mại, việc chậm đổi mới và thuế người giàu...
Một tượng đài khác trong giới đầu tư là tỷ phú Ray Dalio, nhà sáng lập Bridge Associates, một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới cho rằng, việc tăng thuế với nhóm siêu giàu ở Mỹ có thể gây ra hậu quả lớn không lường được với thị trường. "Việc thay đổi mức thuế với giới siêu giàu có thể tạo tác động lớn với dòng vốn. Và điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường cũng như nền kinh tế", tỷ phú sở hữu khối tài sản 18,6 tỷ USD trả lời phỏng vấn bên lề hội nghị Davos 2019. Ảnh: TED.
Nhà sáng lập, CEO hãng máy tính Dell cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Tỷ phú Michael Dell tin tưởng quỹ riêng của mình sử dụng tiền khôn ngoan hơn Chính phủ Mỹ. "Vì vậy tôi không ủng hộ kế hoạch tăng thuế này. Tôi không nghĩ nó sẽ giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng", ông nói. Theo Forbes, Michael Dell hiện nắm trong tay 32 tỷ USD và là người giàu thứ 26 trên thế giới. Đầu tháng 1, nữ nghị sỹ Alexandria Ocasio-Cortez của Mỹ đề xuất kế hoạch đánh thuế 70% với người sỡ hữu trên 10 triệu USD để có nguồn tiền cho việc chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Getty.
Ngoài tuyên bố "công nghệ có thể dẫn đến một cuộc chiến thế giới mới", tỷ phú Jack Ma cũng thể hiện sự không đồng tình với những luật bảo vệ quyền riêng tư người dùng của châu Âu áp dụng cho các công ty công nghệ. "Người châu Âu lo lắng quá nhiều về bảo mật và quyền riêng tư. Tất cả mọi người đều nói làm sao điều chỉnh cái này, làm sao bảo vệ cái kia. Chúng ta đang ở một giai đoạn rất sơ khai của công nghệ. Không nên làm ra một đôi giày cho 1 đứa bé 3 tuổi rồi nói với nó phải mang chúng cả đời", ông Jack Ma phát biểu. Ảnh: Getty.
Ngược lại, CEO Satya Nadella của Microsoft lại thể hiện quan điểm ủng hộ Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) của Liên minh châu Âu. "Với riêng tôi, GDPR là một khởi đầu tuyệt vời khi thật sự xem quyền riêng tư như một quyền của con người. Tôi hy vọng chúng ta sẽ có một luật tương tự ở Mỹ", người điều hành công ty có vốn hóa lớn nhất thế giới cũng mong muốn châu Âu, Mỹ và cả Trung Quốc sẽ cùng nhau thiết lập một tiêu chuẩn toàn cầu về bảo vệ dữ liệu người dùng. Ảnh: Chesnot/Getty.
Một doanh nhân đáng chú ý khác trong lĩnh vực công nghệ tại Davos 2019 là tỷ phú Marc Benioff, nhà sáng lập, Chủ tịch Salesforce. Ông đánh giá các mạng xã hội đang làm mất niềm tin người dùng và cần sớm cải cách toàn diện. "Tôi nghĩ các công ty mạng xã hội đã quá chậm chạp để thay đổi. Các CEO, ban giám đốc, đội ngũ quản lý, điều hành cần phải thay đổi", Marc Benioff gay gắt. Tỷ phú với khối tài sản 6,4 tỷ USD cũng chỉ trích thung lũng Silicon đang đẩy thành phố San Francisco rơi vào tình trạng bất bình đẳng với vấn đề vô gia cư đặc biệt nghiêm trọng. Ảnh: CNBC.
Phó Chủ tịch Ken Hu của Huawei, trong những công ty đang chịu nhiều chỉ trích và hoài nghi nhất trên thế giới cũng xuất hiện tại Davos 2019. Đại diện Huawei cho rằng những doanh nghiệp công nghệ là kẻ thất bại lớn nhất vì chiến tranh thương mại. "Chúng tôi nhìn thấy tác động nguy hại từ cuộc chiến thương mại với nhiều công ty, gồm cả Huawei. Chúng tôi phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng và hệ sinh thái đổi mới toàn cầu, vì vậy có lẽ Huawei hiện phải chịu nhiều hậu quả nhất", Phó Chủ tịch Huawei phát biểu tại một phiên thảo luận. Ảnh: Reuters.
Sự lo lắng về chiến tranh thương mại không dừng lại chỉ trong biên giới của Mỹ và Trung Quốc. Christian Sewing, CEO của Deutsche Bank, ngân hàng thương mại lớn nhất nước Đức khẳng định cuộc chiến thương mại đang làm tổn thương những công ty hàng đầu tại Đức. Ông Sewing tiết lộ ngân hàng của mình đã chứng kiến sự sụt giảm nhất định trong hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Đức trong nửa cuối 2018. "Sự tự tin đang mất dần. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đang đánh giá lại việc đầu tư trong tương lai. Họ chờ đợi những giải pháp chính trị", CEO Deutsche Bank nói. Ảnh: Getty.
Trong khi đó, CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase, ngân hàng thương mại lớn nhất Mỹ về tổng tài sản, nhận định lạc quan rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được thỏa thuận thương mại vĩnh viễn sau khi giải quyết được những khác biệt về sở hữu trí tuệ và những vấn đề gây tranh cãi khác. "Mỹ và Trung Quốc cần phải xây dựng mối quan hệ chiến lược đúng đắn và công bằng về thương mại không chỉ vì chúng tôi, mà còn vì châu Âu và Nhật Bản", Jamie Dimon chia sẻ và đánh giá thuế quan giữa hai nước Mỹ - Trung tác động xấu đến toàn bộ kinh tế thế giới. Ảnh: Bloomberg.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.