Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các tỷ phú "bắt tay" đầu tư năng lượng sạch

Kim Phượng| 18/12/2016 07:21

(HNM) - Tỷ phú Mỹ Bill Gates và nhóm các giám đốc điều hành cấp cao vừa tuyên bố khởi động quỹ công nghệ sạch mang tên Breakthrough Energy Ventures (BEV) trị giá 1 tỷ USD.

Đây là dự án hợp tác về năng lượng sạch quy mô nhất từ trước đến nay. Theo đó, nguồn tiền được rót vào sẽ được sử dụng cho mục đích nghiên cứu các loại năng lượng mới, giúp giảm thiểu khí thải toàn cầu gây hiệu ứng nhà kính và góp phần đạt được mục tiêu đã đặt ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21).



Mục đích của quỹ là đầu tư dài hạn vào lĩnh vực công nghệ năng lượng vốn có rủi ro cao, qua đó góp phần làm giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính. Các khoản đầu tư này có thể sẽ được phân bổ vào các mảng như hoạt động sản xuất và lưu trữ điện, nông nghiệp và giao thông vận tải. Tham gia tài trợ cho BEV ngoài Bill Gates còn có các tỷ phú khác như Mark Zuckerberg - ông chủ của Facebook, Jack Ma - nhà sáng lập tập đoàn Alibaba của Trung Quốc, Chủ tịch Mukesh Ambani của tập đoàn Reliance Industries, nhà đầu tư Vinod Khosla...

Nhà sáng lập Microsoft cho biết, ông khá bất ngờ khi sự phát triển của công nghệ kỹ thuật không chú trọng nhiều đến mảng năng lượng sạch. Tuy nhiên, tình trạng này là khá dễ hiểu khi các khoản đầu tư vào lĩnh vực này không đem lại nhiều lợi nhuận. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, các quỹ đầu tư mạo hiểm đã chi 25 tỷ USD trong giai đoạn 2006-2011 cho các dự án năng lượng sạch và mất hơn một nửa số vốn nhưng không có kết quả khả quan.

Dẫu vậy, thị trường năng lượng hiện nay là vô cùng lớn và lợi nhuận đầu tư cho tương lai là rất tiềm năng. Quỹ BEV ước tính thị trường năng lượng toàn cầu hiện trị giá khoảng 6.000 tỷ USD và nhu cầu năng lượng sẽ tăng thêm 1/3 vào năm 2040. Thế nên, hồi đầu tháng 11 vừa qua, tập đoàn Walmart cũng công bố kế hoạch nâng mức đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, cam kết một nửa năng lượng do công ty sử dụng sẽ tới từ sức gió, mặt trời và các loại năng lượng sạch khác cho tới năm 2025 và giảm 18% lượng khí thải carbon trong cùng thời kỳ. Cùng thời điểm này, Microsoft công bố thương vụ mua lại lớn nhất ngành năng lượng gió với thỏa thuận mua 237MW điện gió từ Kansas và Wyoming (Mỹ) để chạy trung tâm dữ liệu tại Cheyenne.

Một trong những động cơ kinh tế lớn nhất đối với lĩnh vực năng lượng sạch là mức thuế ưu đãi. Tháng 12-2015, Quốc hội Mỹ bất ngờ mở rộng thời hạn của chính sách ưu đãi lên tới năm 2021 dành cho năng lượng mặt trời và năm 2019 cho năng lượng gió. Tuy nhiên, chưa rõ liệu Tổng thống đắc cử Donald Trump có thuyết phục Quốc hội hủy bỏ chính sách này hay không. Một trong những phát ngôn gây tranh cãi của ông D.Trump khi tranh cử là việc “thề” sẽ xóa bỏ phần lớn chính sách năng lượng sạch của Tổng thống Barack Obama và hồi sinh lại ngành khai thác mỏ. Do đó, các công ty còn chần chừ trong việc ra quyết định có đầu tư vào lĩnh vực này hay không.

Hiện nay, 60% các công ty trong danh sách Fortune 100 sử dụng nguồn năng lượng tái tạo hoặc có các chiến lược riêng với vấn đề biến đổi khí hậu. 81 công ty toàn cầu cam kết sẽ sử dụng 100% nguồn năng lượng xanh. Kể từ năm 2008, các công ty Mỹ đã ký thỏa thuận mua lại hơn 10 tỷ USD năng lượng gió và mặt trời, tương đương với lượng năng lượng mà 2 triệu hộ dân Mỹ dùng trong 1 năm. Bloomberg New Energy Finance (BNEF) dự báo, tốc độ tăng trưởng của con số này sẽ gia tăng nhanh hơn nữa trong thập kỷ tới khi ít nhất 50 công ty Mỹ ký hợp đồng mua năng lượng sạch dài hạn.

Thực tế, xu hướng đầu tư vào năng lượng sạch và phát triển bền vững đã đến cao trào, với những “tay chơi” lớn như Goldman Sachs và Bill Gates. Ngoài ra, những khách hàng tiêu dùng từ 18 đến 35 tuổi là những người quan tâm tới vấn đề môi trường, muốn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ từ những công ty có hoạt động phát triển bền vững và cam kết gắn bó với năng lượng tái tạo. Đây cũng là một trong những lý do để các công ty muốn tồn tại phải tham gia sâu hơn vào ngành năng lượng sạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các tỷ phú "bắt tay" đầu tư năng lượng sạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.