Thế giới

G20 không đạt được thỏa thuận về thuế 2% đối với 3.000 tỷ phú giàu nhất thế giới

Thương Nguyệt 27/07/2024 - 10:29

Các Bộ trưởng Tài chính G20 không đạt được đồng thuận về một loại thuế toàn cầu đối với các tỷ phú nhưng cam kết sẽ áp dụng thuế lũy tiến đối với giới siêu giàu.

Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nhóm họp tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil nhằm đặt nền móng cho một thỏa thuận toàn cầu mang tính đột phá về thuế đối với nhóm người siêu giàu.

Theo Politico, cuộc họp đã không thể thống nhất về mức thuế 2% đối với 3.000 tỷ phú giàu nhất thế giới như kỳ vọng của Brazil, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch G20 luân phiên. Thất bại này khiến những người siêu giàu tránh được số tiền thuế phải nộp lên đến 250 tỷ USD mỗi năm.

Bộ trưởng Tài chính Brazil Fernando Haddad nhận định, việc đánh thuế các tỷ phú có thể giúp tài trợ cho cuộc chiến chống lại nạn đói trên thế giới nhưng vẫn cảnh báo chế độ thuế như vậy sẽ không thể được thiết lập trong thời gian ngắn.

2.jpg
Các Bộ trưởng Tài chính G20 bất đồng về thuế toàn cầu đối với giới siêu giàu. Ảnh: Reuters

Tại các cuộc đàm phán, một số quốc gia thành viên G20 không ủng hộ động thái kể trên.

Ngoài Mỹ, Đức cũng phản đối khoản thuế toàn cầu nhằm vào giới siêu giàu, trong khi Pháp, Tây Ban Nha, Nam Phi, Colombia và Liên minh châu Phi ủng hộ đề xuất của Brazil.

Đối với vấn đề thuế lũy tiến, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã ca ngợi lập trường của G20, tuyên bố rằng tầm nhìn chung của các Bộ trưởng Tài chính nhóm này về thuế lũy tiến là kịp thời đối với nhu cầu xây dựng lại vùng đệm tài chính trong khi vẫn cần quan tâm đến các nhu cầu xã hội và phát triển ở nhiều quốc gia.

Bản dự thảo cuối cùng về tuyên bố của các Bộ trưởng Tài chính nêu rõ, G20 sẽ hợp tác để bảo đảm việc đánh thuế những cá nhân có giá trị tài sản ròng lớn.

Tuy nhiên, đã xuất hiện những bất đồng về việc nên đưa vấn đề này ra các cuộc đàm phán tại Liên hợp quốc hay Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Bộ trưởng Janet Yellen cho rằng, OECD, tổ chức đã dẫn dắt các cuộc đàm phán về thỏa thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu trong 3 năm qua, sẽ có vị thế tốt hơn để xử lý các cuộc đàm phán như vậy.

“Chúng tôi không muốn thấy việc này được chuyển giao cho Liên hợp quốc. Là một tổ chức dựa trên sự đồng thuận, OECD đã đạt được nhiều tiến bộ to lớn, trong khi Liên hợp quốc không có chuyên môn kỹ thuật để thực hiện”, Reuters dẫn nhận định của bà Janet Yellen, ngày 27-7.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
G20 không đạt được thỏa thuận về thuế 2% đối với 3.000 tỷ phú giàu nhất thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.