(HNM) - Ngày 13-2, theo tin từ Bệnh viện Lão khoa trung ương, trong những ngày rét đậm, rét hại hiện nay, số lượng bệnh nhân đến khám và tư vấn đã tăng lên 400 người/ngày.
Riêng số bệnh nhân phải vào nằm điều trị tại BV mỗi ngày ghi nhận trên 30 trường hợp. Bệnh nhân vào điều trị chủ yếu với các bệnh mạn tính, như: Tăng huyết áp, tim mạch, bệnh phổi mạn tính, Parkinson và mắc các bệnh hô hấp liên quan đến tuổi già. Còn tại khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai, số người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, đái tháo đường nhập viện liên tục tăng. Trung bình mỗi ngày có 100 trường hợp cấp cứu, tăng khoảng 20-30% so với thời điểm trước Tết, trong đó nhiều nhất là các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, hô hấp. BV Nhi Trung ương cũng ghi nhận lượng bệnh nhi gia tăng trong những ngày rét đậm. Trung bình mỗi ngày có khoảng gần 3.000 trẻ đến khám các bệnh chủ yếu viêm đường hô hấp cấp, viêm phế quản, viêm phổi nặng, một số bé sốt cao, sốt virus…
Không chỉ tuyến trung ương, các BV của một số địa phương miền Bắc đang chịu rét đậm, rét hại cũng rơi vào cảnh quá tải. Riêng tại Khoa Nhi (BV Đa khoa tỉnh Lào Cai), số trẻ nhập viện do các bệnh về hô hấp: Viêm họng, viêm phế quản, ho, sốt, trong 3 ngày nay tăng khoảng 50% so với ngày thường. Khoa Nhi của BV hiện có 20 giường bệnh nhưng cao điểm có ngày lên đến 45 bệnh nhân nằm viện.
* Ngày 13-2, theo tin từ Khoa Khám bệnh (BV Da liễu Hà Nội), số bệnh nhân mắc thủy đậu bắt đầu gia tăng dù chưa có dấu hiệu bất thường. Khoa Khám bệnh của BV có 10 phòng khám, trung bình mỗi phòng tiếp nhận từ 1 đến 3 bệnh nhân thủy đậu/ngày. Như vậy, ước tính cả Khoa Khám bệnh mỗi ngày tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân thủy đậu vào khám và điều trị. Bác sĩ chuyên khoa I Hồ Thị Hoài Thu cho biết, điều đáng chú ý là trong số những bệnh nhân thủy đậu đến khám tại BV Da liễu Hà Nội không chỉ có trẻ em mà còn cả người lớn, ở nhiều độ tuổi khác nhau. Đa số người mắc chưa được tiêm vắc xin phòng thủy đậu, hoặc đã tiêm vắc xin nhưng vẫn mắc bệnh.
* Cuối giờ chiều 13-2, bệnh nhân Huỳnh Thanh Tuấn (30 tuổi, ở xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang, Khánh Hòa) bị nhiễm cúm A/H1N1 đã tử vong tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Bệnh nhân Tuấn nhập viện trưa ngày 5-2 với các triệu chứng ho, khó thở, diễn biến tăng lên suy hô hấp nặng, suy đa phủ tạng. Ngoài các dấu hiệu bệnh cúm với các biến chứng nặng, bệnh nhân còn bị suy tuyến giáp, nguy kịch, được điều trị đặc biệt tại phòng cách ly của BV. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị nhiễm virus cúm A/H1N1. Theo TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, giám sát cúm trong các tuần gần đây cho thấy, nhiều trường hợp viêm phổi do virus cúm, trong đó cúm A/H1N1 đang xuất hiện mạnh. Đây là virus lưu hành như virus cúm mùa thông thường, độc lực không mạnh như cúm A/H5N1 và H7N9. Tuy nhiên, các ca nhiễm virus này cần được theo dõi diễn biến bệnh để được can thiệp kịp thời tránh trường hợp bội nhiễm gây viêm phổi, khó thở, thậm chí gây tử vong. Virus cúm A/H1N1 nguy hiểm cho người có bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ và người già.
* Ngày 13-2, theo tin từ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã quyết định thành lập 5 đội cơ động ứng phó với dịch cúm gia cầm trên người, mỗi đội có 10 thành viên. Ngoài ra, mỗi quận, huyện cũng sẽ thành lập 2 đội phản ứng cơ động với dịch bệnh, mỗi đội 5-7 người. Khi nhận được tin báo về các ổ dịch cúm gia cầm có người bị lây bệnh, trong vòng 30 phút đến 1 giờ, các đội cơ động này sẽ đến ổ dịch để xử lý triệt để. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo, mùa đông xuân là thời điểm mà tất cả các dịch cúm đều gia tăng, trong đó có các virus cúm gia cầm. Hiện nước ta cũng đang đối mặt với nguy cơ bùng phát các dịch cúm gia cầm A/H7N9, H5N1… trên người. Tuy nhiên, người dân không được tự ý uống thuốc dự phòng cúm gia cầm (thuốc tamiflu) bởi đây là loại thuốc điều trị phải có chỉ định của bác sĩ. Nếu tự ý điều trị sẽ không mang lại hiệu quả mà còn dẫn đến kháng thuốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.