Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các thôn, xã đặc biệt khó khăn: Cần một "cú hích”

Chí Đạo - Nguyễn Mai| 28/06/2016 06:16

(HNM) - Những con người lam lũ, căn nhà xiêu vẹo, con đường đất bị xẻ ngang, cắt dọc cứ ám ảnh chúng tôi khi trở lại những bản làng người Mường, người Dao ở vùng khó khăn, xa xôi nhất của Hà Nội...


Bài 1: Hệ lụy đến từ cái nghèo

Những con người lam lũ, căn nhà xiêu vẹo, con đường đất bị xẻ ngang, cắt dọc cứ ám ảnh chúng tôi khi trở lại những bản làng người Mường, người Dao ở vùng khó khăn, xa xôi nhất của Hà Nội. Cái vòng luẩn quẩn đói nghèo sẽ còn đeo đẳng nếu không có sự hỗ trợ như "cú hích" mạnh từ Nhà nước và cộng đồng...

Chuyện những “hộ nghèo sang sổ”…

Theo chân Trưởng thôn Quách Công Đoan đi một vòng quanh thôn Gốc Báng (xã An Phú, huyện Mỹ Đức), chúng tôi cứ thấy day dứt. Căn nhà của vợ chồng anh Bùi Văn Khiêu nằm ngay ven đường, 3 đứa trẻ gầy gò, đen đúa lê la chơi. Trong căn nhà tuềnh toàng, chẳng có tài sản gì đáng giá, anh Khiêu buồn rầu cho biết: “Nhà chỉ có 1 sào ruộng, cấy mỗi năm 2 vụ lúa được khoảng 2 tạ thóc. Tôi làm thêm bảo nông cho thôn, mỗi năm được trả 3 tạ thóc nữa, nhờ vậy mà đủ gạo ăn nửa năm, còn lại phải ăn đong”. Trưa, vợ anh Khiêu làm gạch thuê ở xã bên (tỉnh Hòa Bình) vội vã về, tất tả lo cơm nước để kịp ca làm chiều. Cuộc sống vất vả khiến chị già hơn rất nhiều so với tuổi 30. Khi được hỏi, ruộng ít sao anh chị không đi học nghề, vợ anh Khiêu đáp: “Em không biết chữ, đi học nghề sợ không theo được. Cách đây ít năm, xã có mở lớp dạy nghề mây giang đan, em đi học được 2 buổi thì bỏ. Mỗi ngày đi làm gạch còn kiếm được mấy chục nghìn chứ nghỉ làm mấy hôm chả có gì để ăn nên em không đi học nghề nữa”.

Một hộ nghèo tại xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì).


Ở thôn Gốc Báng, hộ nghèo như gia đình anh Khiêu không hiếm, có người gán cho những gia đình này cái tên: “Hộ nghèo sang sổ”. Chúng tôi tiếp tục rẽ vào một con đường đất nhỏ chỉ đủ hai người tránh nhau để đến nhà chị Bùi Thị Khuyên. Căn nhà vỏn vẹn vài chục mét vuông, thấp lè tè xây bằng gạch ba banh, nền lổn nhổn gạch vỡ, kiêm luôn bếp. Chị Khuyên vừa đi làm gạch về, con trai chị 11 tuổi đã biết làm đủ thứ việc từ nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo đến trông em giúp mẹ. Chị Khuyên buồn bã cho biết: Vợ chồng chia tay, một mình tôi nuôi 2 con nhỏ, làm 6 sào ruộng, ngày nông nhàn thì đi làm gạch thuê. Dù làm việc cật lực cũng chỉ đủ ăn và lo cho con được đi học.

Theo ông Quách Công Đoan, 100% hộ dân trong thôn Gốc Báng là người dân tộc Mường. Thôn có 147 hộ thì có 54 hộ được bình xét hộ nghèo, trong đó còn 20 hộ có nhà dột nát rất cần hỗ trợ.

Tương tự, nhiều hộ dân ở thôn Sui Quán thuộc xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) cũng được đưa vào danh sách “không chịu” thoát nghèo nhiều năm. Men theo con đường đất gập ghềnh bị xẻ ngang dọc bởi những đợt mưa lũ, luồn sâu vào chân núi Ba Vì, chúng tôi tới thăm gia đình anh Nguyễn Văn Quyết. Thật khó hình dung cuộc sống của 4 con người diễn ra như thế nào trong một ngôi nhà được vá víu tạm bợ bằng những mảnh vải bạt. Trong căn nhà tồi tàn trống huơ trống hoác rộng chừng 20m2, không có thứ gì đáng giá ngoài chiếc ti vi 14 inh, hình ảnh lúc có lúc không. Hai chiếc giường kê ở góc nhà là nơi nghỉ ngơi của vợ chồng, con cái cũng đã cũ nát.

“Nhà như thế này anh chị và các cháu ăn ở như thế nào?” - anh Quyết trả lời vẻ ái ngại - “Phải khắc phục chứ biết làm sao bây giờ!”. “Trời mưa, trời gió có bị ảnh hưởng gì không?” - chúng tôi hỏi. Anh Quyết vừa nhìn lên phía nóc nhà, nói: “Chỗ nào dột thì tôi căng vải bạt để che, còn những chỗ tường đất bị thủng thì chắn phía ngoài”. Tiếp lời người chồng, chị Hán Thị Hồng Hạnh chỉ tay ra phía góc sân, nơi có căn bếp che chắn tạm bằng mấy thanh gỗ mục, mảnh vải bạt đã sờn cũ, buồn bã kể: “Mấy hôm trước căn bếp bị gió lùa đổ, anh Quyết phải dựng tạm để đun nấu”. Chỉ tay vào một ít gỗ xoan được xếp gọn gàng ngay sát vách ngôi nhà, anh Quyết cho biết “đang gom gỗ, chưa biết đến khi nào mới đủ dựng lại nhà!”. Anh Quyết nói với chúng tôi: “Cả gia đình chỉ có hơn 200m2 đất nông nghiệp. Quanh năm không đủ ăn, hai vợ chồng phải chạy vạy khắp nơi làm thuê kiếm sống”. Niềm tin và ước mơ lớn nhất mà chúng tôi cảm nhận được trong câu chuyện với cặp vợ chồng nghèo này là họ luôn cố gắng làm việc để lo cho 2 con được ăn học.

… và xã “nghèo nhất Thủ đô”

Không dưới một lần chúng tôi về bản người Dao Hợp Nhất, xã Ba Vì (huyện Ba Vì) nhưng lần này, nhận thấy rất rõ sự thay đổi, đường đi, lối lại đã ổn hơn, nhiều công trình phúc lợi xã hội như nhà văn hóa thôn, trường học, trạm nước sạch… đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Tuy nhiên đi sâu vào phía chân núi Ba Vì, có thể cảm nhận rõ hơn khó khăn của đồng bào nơi đây. Để vào đến bản, chúng tôi phải lội qua những cung đường dốc, bị cắt ngang, xẻ dọc bởi sông suối hay những rãnh nước khoét sâu xuống nền đường sau mưa lớn. Bên trong căn nhà tuềnh toàng, nằm ngay vệ đường, ông Dương Đức Tiến cho biết: “Cả bản có hơn 120 hộ thì quá nửa là hộ nghèo, ăn chưa đủ nói gì đến làm những chuyện khác. Tôi đã đi nhiều nơi, càng đi, càng thấy quê mình còn nghèo quá!”.

Xã Ba Vì có nhiều đồng bào Dao sinh sống, gắn bó với nghề thuốc Nam truyền thống và nét văn hóa đặc sắc Tết nhảy. Tuy nhiên, xã Ba Vì còn “nổi tiếng” là “nơi nghèo nhất Thủ đô”, thu nhập bình quân đầu người mới đạt hơn 11 triệu đồng/năm. Cùng với xã An Phú (Mỹ Đức), xã Ba Vì nằm trong danh sách hơn 60 xã đặc biệt khó khăn của cả nước. Xã Ba Vì hiện có khoảng 500 hộ dân với 2.515 nhân khẩu, trong đó 98% là đồng bào dân tộc Dao, sống rải rác tại thôn Hợp Sơn, Hợp Nhất và Yên Sơn, nằm dưới sườn Tây núi Ba Vì (thôn xa nhất cách trung tâm xã khoảng 10km). Trong những năm qua, được sự quan tâm của thành phố, công tác xóa đói, giảm nghèo của xã đã có sự chuyển biến, từ năm 2011 đến nay giảm được 54 hộ nghèo. Tuy nhiên, trong số gần 500 hộ dân thì có tới gần một nửa là hộ nghèo (chiếm 48%), trong đó 30 hộ có nhà hư hỏng, xuống cấp cần được cải tạo, xây mới. Bên cạnh đó, xã có tới 231 người đi lao động trái phép tại Trung Quốc, đến nay đã vận động được 144 người trở về. Đa số lao động này trở về với hai bàn tay trắng, không nghề nghiệp và không còn ruộng đất để sản xuất. Cũng vì cái nghèo ở xã Ba Vì, tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp năm học vừa qua chỉ đạt khoảng 60% và có khoảng 10% trẻ suy dinh dưỡng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các thôn, xã đặc biệt khó khăn: Cần một "cú hích”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.