Ngày 10-9, các tay súng đã tấn công và chiếm một phần trụ sở Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Libya (NOC) tại thủ đô Tripoli. Thông tin ban đầu cho biết đã có thương vong trong vụ tấn công này.
Lực lượng cứu hộ có mặt tại hiện trường. Ảnh: alarabiya |
Hãng tin Reuters dẫn lời các nhân chứng cho biết, họ có thể nhìn thấy khói bốc lên từ khu vực gần các văn phòng NOC. Trong khi đó, theo nguồn tin an ninh, lực lượng này đang nỗ lực đối phó với các tay súng được cho là đã tấn công tòa nhà. Lực lượng an ninh đã bao vây khu vực văn phòng NOC, trong khi các tuyến đường xung quanh đều bị phong tỏa.
Một nhân chứng cho biết đã nhìn thấy xe cứu thương rời khỏi hiện trường. Một nhân viên của một khách sạn gần đó tường thuật đã nghe thấy khoảng 5 tiếng nổ.
Trước đó, hôm 2-9, chính phủ được Liên hợp quốc (LHQ) ủng hộ ở Libya đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại Tripoli và khu vực lân cận, trong bối cảnh làn sóng bạo lực diễn ra trong nhiều ngày qua, đã khiến hàng chục người thiệt mạng. Giao tranh giữa lực lượng chính phủ và các nhóm vũ trang bùng phát tại khu vực phía Nam Tripoli từ hồi đầu tuần trước và đến nay, dù các bên đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Tripoli do LHQ bảo trợ, song tình trạng bạo lực vẫn diễn ra.
Ngày 9-9, phái bộ LHQ tại Libya (UNSMIL) thông báo, các nhóm vũ trang tại Tripoli đã nhất trí tạm ngừng các hành động bạo lực và thành lập một cơ chế nhằm củng cố thỏa thuận ngừng bắn mới đạt được gần đây, hướng tới việc rút các nhóm vũ trang khỏi các địa điểm của chính phủ và các khu cơ sở hạ tầng trọng yếu tại thủ đô. Phát biểu tại cuộc họp với đại diện các nhóm vũ trang, đặc phái viên của UNSMIL đã hối thúc các nhóm này giải quyết mâu thuẫn thông qua đối thoại và thấu hiểu lẫn nhau.
Libya rơi vào bất ổn kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moamar Gaddafi năm 2011. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2015, Libya vẫn chìm trong bạo lực, hỗn loạn và chia rẽ chính trị. Hiện ở quốc gia này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) hoạt động tại thủ đô Tripoli do Thủ tướng Fayez Serraj lãnh đạo và một chính quyền tại miền Đông, được Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn. GNA vẫn chưa thể thành lập lực lượng quân đội riêng, mà vẫn phải dựa vào các nhóm dân quân để bảo vệ thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.