(HNM) - Từ đầu năm 2019, Hội Liên hiệp Văn học, nghệ thuật Hà Nội đã phát động cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật về Hà Nội - nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của thành phố trong năm. Bên cạnh cổ vũ sáng tác, Hội cũng trăn trở để những tác phẩm mới này có đời sống, phục vụ công chúng hiệu quả. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học, nghệ thuật Hà Nội về vấn đề này.
- Sáng tác về Hà Nội luôn là cảm hứng và nhiệm vụ cao cả của mỗi văn nghệ sĩ gắn bó với mảnh đất này. Vậy, Hội Liên hiệp Văn học, nghệ thuật Hà Nội kỳ vọng như thế nào về cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019), thưa ông?
- Năm 2019 là dấu mốc đặc biệt khi Hà Nội kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 20 năm được vinh dự nhận danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” do UNESCO trao tặng. Không chỉ vậy, thời điểm này, Hà Nội có nhiều sự chuyển mình trong các lĩnh vực, nhất là hướng đến trở thành thành phố sáng tạo. Điều đó tạo nhiều cảm hứng và cơ hội để văn nghệ sĩ sáng tác.
Từ nhiều năm qua, văn nghệ sĩ Thủ đô vẫn đều đặn sáng tác về Hà Nội, nhưng trong đó ít có tác phẩm nổi bật, xứng tầm. Thông qua cuộc thi này, Hội mong muốn cổ vũ, động viên và tạo điều kiện để văn nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm mới về Hà Nội, thuộc cả 9 chuyên ngành (văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa, văn nghệ dân gian, kiến trúc), nhằm phục vụ toàn diện nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của công chúng Thủ đô.
- Vậy, yêu cầu của những tác phẩm dự thi đợt này có khác những cuộc thi trước đây không?
- Nói là yêu cầu thì chưa hẳn chính xác, bởi văn nghệ sĩ Thủ đô luôn ý thức nhiệm vụ sáng tạo của mình là để góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, xây dựng văn hóa Thủ đô tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Ở cuộc thi này, Hội khuyến khích tác giả sáng tác tác phẩm có khả năng đi vào đời sống, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của công chúng hiện đại.
Chẳng hạn, sáng tác mỹ thuật không chỉ là tranh treo tường, mà cần nghĩ đến những hình thức thể hiện khác như sắp đặt, video art... để đem đến trải nghiệm mới. Sân khấu, âm nhạc, múa cũng cần áp dụng công nghệ âm thanh, ánh sáng 3D, biểu diễn thực cảnh…, tạo hiệu ứng bất ngờ cho tác phẩm. Nội dung tác phẩm không cần quá cầu kỳ mà đi vào chiều sâu, những góc nhìn tinh tế, dung dị, có sức lay động, tính nhân văn…
- Qua 6 tháng phát động, những vấn đề nào của Thủ đô được các tác giả quan tâm sáng tác, thưa ông?
- Văn nghệ sĩ luôn là những người nhạy cảm với thời cuộc. Những điển hình, mô hình mới, cách làm hay, đạt hiệu quả tích cực, hay những khó khăn, bất cập, biểu hiện tiêu cực, những vấn đề còn tồn tại trong việc phát triển văn hóa Thủ đô hiện nay được giới sáng tác quan tâm và đưa vào tác phẩm. Nhiều câu chuyện lịch sử về Thăng Long - Hà Nội cũng được khai thác khéo léo ở góc nhìn mới, sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật đương đại.
Tuy nhiên, những vấn đề đi trước thời đại như phản ánh về cuộc sống, con người Thủ đô trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, những dự báo có tính gợi mở cho sự phát triển của Thủ đô còn khá hiếm hoi. Vì vậy, Hội rất mong trong thời gian còn lại (gần 2 tháng nữa), sẽ có nhiều tác phẩm đề cập đến vấn đề này xuất hiện.
- Theo ông, những chuyên ngành nào có khả năng tạo được tác phẩm bứt phá và chuyên ngành nào gặp khó khăn trong đợt phát động sáng tác này?
- Âm nhạc và nhiếp ảnh có lợi thế về khả năng phổ cập, có lực lượng sáng tác trẻ cập nhật với giới nghề quốc tế, nên có thể tạo những tác phẩm gây tiếng vang. Các chuyên ngành văn học, sân khấu, mỹ thuật đang xuất hiện những gương mặt sáng tác mới, triển vọng tạo sự bứt phá.
Văn nghệ dân gian và múa cũng có những thành tựu nhất định, nhưng hầu hết trong việc nghiên cứu, phục hồi vốn cổ. Khó khăn nhất có lẽ là điện ảnh. Đội ngũ tác giả giỏi, tâm huyết không thiếu, từ cuộc thi này có thể thu được kịch bản tốt, nhưng để biến chúng thành tác phẩm điện ảnh là câu chuyện khác.
Hãng phim Sao Khuê của Hội Điện ảnh Hà Nội tuy mới được trang bị thêm máy quay, nhưng muốn làm phim đáp ứng được nhu cầu khán giả hiện nay đòi hỏi phải có nhiều thiết bị, công nghệ hiện đại hơn, đấy là chưa nói đến vấn đề nhân lực. Do vậy, nhiều tác phẩm điện ảnh mãi chỉ nằm trên giấy.
- Như ông đã nói, tác phẩm phải có đời sống, đến được công chúng mới có giá trị, vậy Hội hỗ trợ văn nghệ sĩ như thế nào để biến điều đó thành hiện thực?
- Từ đầu năm đến nay, Hội thường xuyên tổ chức các đợt đi thực tế, trại sáng tác cho từng chuyên ngành. Sắp tới, các văn nghệ sĩ thế hệ đi trước sẽ ngồi lại để chia sẻ với lớp trẻ kinh nghiệm trong việc sáng tác, đưa tác phẩm đến công chúng hiệu quả. Bên cạnh đó, các hội chuyên ngành và bản thân tôi sẽ đồng hành cùng văn nghệ sĩ trong quá trình sáng tác, cố vấn, tư vấn cho họ về xu hướng tác phẩm thu hút công chúng.
Hội thậm chí có thể làm công tác “tiếp thị” để những kịch bản đã đoạt giải, phù hợp đến đúng “địa chỉ”, đồng thời tích cực vận động để tìm nguồn đầu tư cho tác phẩm từ ngân sách thành phố hay xã hội hóa. Hiện tại, các đơn vị xuất bản, đơn vị nghệ thuật ở Thủ đô rất cần bản thảo, kịch bản mới, có sáng tạo, nhân văn… để phát hành, dàn dựng phục vụ công chúng.
Quan trọng là sau cuộc thi này, có thêm nhiều tác phẩm mới, hay về Hà Nội đi vào đời sống, vừa cổ vũ văn nghệ sĩ đầu tư chất lượng sáng tác, vừa nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân Thủ đô và hy vọng dần có được những tác phẩm văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ về Hà Nội.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.