(HNMO) – Thảo luận tổ sáng 6/11 về dự án Luật Thủ đô, các đại biểu đoàn Hà Nội đồng tình cao về sự cần thiết phải ban hành Luật này và đánh giá, các nội dung của dự luật cơ bản đảm bảo, nhưng có một số điểm nên quy định cụ thể hơn. Các đại biểu chung hi vọng, dự luật sớm được thông qua để đi vào thực hiện.
Các đại biểu chung hi vọng, dự luật sớm được thông qua để đi vào thực hiện.
Trong phiên thảo luận, các đại biểu đã cùng “mổ xẻ”, phân tích những quan niệm xung quanh khái niệm “đặc thù” của Hà Nội, đồng thời quan tâm thảo luận về 3 vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau: vấn đề quản lý nhập cư, việc nâng mức xử phạt một số hành vi vi phạm hành chính và tăng mức thu một số loại phí, việc trao cho Hà Nội quyền ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật.
Cụ thể hóa tính đặc thù của Hà Nội
Bàn về khái niệm và phạm trù đặc thù của Hà Nội, đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, tính đặc thù chính của Hà Nội chính là Thủ đô.
“Theo tôi đây là đặc thù lớn nhất, từ đó chi phối đến những điều khác như vị trí, vai trò chính trị, quyền và nghĩa vụ của công dân Thủ đô với công dân cả nước và công dân cả nước với công dân Thủ đô…”, đại biểu Thanh nói.
Cũng theo đại biểu Thanh, mỗi đặc thù phải được xử lý theo một hướng khác nhau. Không thể nói đặc thù của Hà Nội giống các địa phương khác. Đại biểu Thanh cũng cho rằng, không nên lo lắng việc Hà Nội có luật riêng sẽ tạo tiền đề cho các địa phương khác xin ra luật riêng.
“Nếu địa phương nào tìm ra đặc thù của mình, có căn cứ pháp lý thì tôi cho rằng Quốc hội sẽ không hạn chế việc ra luật cho địa phương đó”, đại biểu Thanh nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trao đổi lúc giải lao |
Theo đại biểu Thanh, nếu để Hà Nội phát triển giao thông một cách tự do, tự nhiên như hiện nay thì đến lúc nào đó sẽ rất khó kiểm soát và phát sinh thêm nhiều vấn đề. Vì vậy, việc cho Hà Nội hành lang pháp lý để Hà Nội làm tốt hơn chức năng của mình là cần thiết.
Cùng quan tâm, đại biểu Đào Trọng Thi cũng ủng hộ việc thu phí và phạt tiền cao hơn cũng như việc quản lý nhập cư là cần thiết. Vấn đề là các lý giải phải phù hợp với bản chất của vấn đề.
Theo đại biểu Thi, các mức xử phạt hành chính phải đủ sức răn đe, tương xứng với tác động tiêu cực và hậu quả của hành vi vi phạm gây ra.
“Mức sống của Hà Nội cao hơn thì mức xử phạt một số hành vi vi phạm như các tỉnh khác không đủ sức răn đe. Yêu cầu chất lượng cuộc sống của Hà Nội cũng cao hơn thì hậu quả của hành vi vi phạm cũng sẽ nghiêm trọng hơn. Việc thu phí cũng vậy, thu phí là để bù đắp những tổn thất cho môi trường nên thu phí phải tương xứng với hậu quả và chi phí bỏ ra khắc phục hậu quả, mà chất lượng cuộc sống HN cao hơn nên thu cao hơn là hợp lý”, đại biểu Thi phân tích.
Cũng trên quan điểm đó, đại biểu Thi cho rằng, việc quản lý dân cư phải đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân nhưng cũng phải đảm bảo quy mô, mật độ cơ cấu hợp lý theo quy hoạch.
“Giải pháp chính vẫn là KTXH nhưng đồng thời, với yêu cầu cao về chất lượng cuộc sống, văn minh đô thị thì cần có điều kiện bổ sung”, đại biểu Thi nói.
Đại biểu Nguyễn Đức Nhanh cũng tán thành việc quản lý nhập cư.
“Luật cư trú mở rất rộng quy định nhập cư về Hà Nội nên đã gây áp lực, khiến dân số Hà Nội quá đông”, đại biểu Nhanh nói.
Theo đại biểu Nhanh, việc giảm mật độ cư trú cần nhiều biện pháp, ví dụ quy định bao nhiêu năm tạm trú mới được đăng ký, quận nào quá đông thì không cho đăng ký, kèm theo các quy định nhà ở, phải có sổ đỏ.
Về thu phí giao thông cao hơn, đại biểu Nhanh tán thành và đề nghị cụ thể các khoản thu nào áp mức cao hơn thì do HĐND Thành phố ban hành.
“Hà Nội mức sống cao hơn thì phải thu cao hơn là cần thiết”, đại biểu Nhanh nói.
Tán thành việc áp dụng mức thu một số khoản phí cao hơn, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường đề nghị phải có cơ chế giám sát chặt chẽ đi kèm. Ngoài thu phí cao, cần kết hợp với những giải pháp khác.
“Hà Nội có 3,6 triệu xe máy thì chúng ta sẽ thu phí kiểu gì? Chúng ta đặt ra quy định trong luật nhưng phải làm sao có giải pháp để khi đưa vào thực tiễn thì khả thi”, đại biểu Hường nói.
Đại biểu Hường cũng nhấn mạnh, những quy định bảo thủ về hành chính khó giải quyết được các vấn đề xã hội. Do đó, ngoài thu phí cao, cần những giải pháp đi kèm nhằm giảm mật độ dân cư như sớm thông qua và công bố rộng rãi quy hoạch chung Thủ đô, sớm đưa trường học, bệnh viện ra ngoại thành…
Thay mặt Ban soạn thảo, đại biểu QH, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, dự án Luật đã được xây dựng rất công phu, khoa học. Quan điểm, mục đích xây dựng luật là nhằm hình thành cơ chế, chính sách cho Hà Nội, từ đó hình thành bộ máy chính quyền, mô hình đô thị nói chung cho cả nước sau này.
Chủ tịch UBND Thành phố cũng khẳng định, đây là một dự án luật rất khó xây dựng, bởi các điều luật vừa phải có tính đặc thù, nhưng vẫn phải đảm bảo tuân thủ theo hiến pháp, pháp luật.
“Tôi đồng tình và tiếp thu ý kiến của các đại biểu rằng, dự án luật chỉ đi vào những vấn đề gì Hà Nội đang bức xúc nhất, cần quản lý nhất để quy định. Việc tăng thêm quyền hạn đồng thời cũng phải gắn với tăng thêm trách nhiệm”, ông Nguyễn Thế Thảo nói.
Đi sâu vào một số vấn đề cụ thể, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội khẳng định, quy định về nhập cư trong dự án luật không phải để cấm người dân nhập cư về Hà Nội, mà nhằm cơ cấu cho hợp lý lại dân cư, giãn dân cho các vùng nội thành. Còn danh hiệu “Công dân danh dự” là để vinh danh, cũng chủ yếu chỉ để dành cho người nước ngoài có nhiều đóng góp cho Hà Nội nhưng không có quốc tịch Việt Nam.
Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng hi vọng, các đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, đóng góp thật cụ thể vào từng nội dung để hoàn thiện dự luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.