Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các quốc gia vùng Vịnh: Hy vọng tháo gỡ khủng hoảng

Quỳnh Dương| 16/12/2020 06:20

(HNM) - Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar với Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập kéo dài hơn 3 năm qua đang có hy vọng được tháo gỡ khi các bên liên tục đưa ra những phát ngôn thiện chí. Đây được cho là tín hiệu tích cực trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) dự kiến diễn ra vào cuối tháng 12 này.

Qatar nằm trong tâm điểm của cuộc khủng hoảng ngoại giao với một số quốc gia vùng Vịnh suốt hơn 3 năm qua.

Ngày 13-12, sau khi Saudi Arabia và Kuwait công bố đạt được tiến triển trong việc giải quyết tranh cãi giữa các nước vùng Vịnh, Bộ Ngoại giao Ai Cập đã lên tiếng cho rằng, nỗ lực của các bên sẽ mở đường cho một biện pháp toàn diện, giúp hóa giải nguyên nhân của cuộc khủng hoảng. Trước đó, Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash cũng khẳng định ủng hộ các nỗ lực của Saudi Arabia nhằm chấm dứt những tranh cãi kéo dài hơn 3 năm qua. Ông đồng thời đánh giá cao các nỗ lực của Kuwait và Mỹ, những nước đã đóng vai trò trung gian hòa giải bất đồng.

Về phía Qatar, trước động thái tích cực của các bên liên quan, Ngoại trưởng Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani nêu rõ, Chính phủ nước này tin tưởng sự thống nhất vùng Vịnh có ý nghĩa rất quan trọng đối với an ninh khu vực và nhấn mạnh "cuộc khủng hoảng không cần thiết này cần phải kết thúc dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau", đồng thời bày tỏ hy vọng mọi việc sẽ diễn ra đúng hướng.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất kể từ khi Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) thành lập năm 1981 đến nay đã kéo dài hơn mọi dự đoán trước đó. Sự việc bắt đầu từ tháng 6-2017 khi nhóm "Bộ tứ" do Saudi Arabia đứng đầu cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc Doha ủng hộ các nhóm cực đoan và can thiệp nội bộ các nước trong khu vực.

Bất chấp sự phủ nhận của Qatar, các nước này đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt, trong đó có việc đóng cửa khẩu biên giới trên bộ, đường biển và không phận đối với máy bay của Qatar, trục xuất công dân nước này. Sau đó, 4 quốc gia trên đã đưa ra yêu sách 13 điểm với Doha để đổi lấy việc dỡ bỏ bao vây cấm vận, trong đó có chấm dứt hoạt động của mạng lưới truyền thông Al Jazeera, đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này và giảm quan hệ với Iran. Hơn 3 năm qua, các nỗ lực ngoại giao đã thất bại trong việc hàn gắn quan hệ giữa các bên. 

Cuộc khủng hoảng đã cho thấy những rạn nứt nghiêm trọng giữa các quốc gia thành viên của GCC. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, mối bất hòa giữa các nước GCC đã tồn tại từ lâu và việc bùng phát chỉ là vấn đề thời gian. Cùng với sự biến động không ngừng của thế giới, những cường quốc Arab đều nuôi tham vọng theo đuổi tiến trình khẳng định vị thế của riêng mình.

Nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng xoay quanh vai trò nổi lên của Qatar. Kể từ năm 1995, chính sách đối ngoại của nước này ngày càng trở nên linh hoạt và mềm dẻo, có khả năng xử lý và cân bằng quan hệ với phần lớn các nước lớn hơn trong khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, những cải cách đúng hướng khiến Qatar dần nổi lên và trở thành một thế lực đáng gờm.

Nếu nhìn bề ngoài thì đây tưởng như chỉ là vấn đề liên quan đến quan hệ chính trị giữa các nước thành viên GCC. Song trên thực tế, cuộc khủng hoảng ngoại giao đã ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế ở khu vực cũng như làm suy yếu lòng tin, giảm đầu tư ở Qatar và các nước Arab. Nghiêm trọng hơn, nếu mâu thuẫn không được giải quyết sẽ có tác động không nhỏ tới sự ổn định ở khu vực và thế giới. 

Vì thế, dư luận quốc tế cho rằng, việc giải quyết cuộc khủng hoảng cần phải được coi như vấn đề cấp bách và cách thức tốt nhất để tháo “ngòi nổ” là đối thoại hòa bình theo hướng cởi mở, trung thực trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Hóa giải cuộc khủng hoảng sẽ giúp giảm bớt nguy cơ tại khu vực Trung Đông vốn đã có quá nhiều bạo lực và bất ổn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các quốc gia vùng Vịnh: Hy vọng tháo gỡ khủng hoảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.