Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các quốc gia tăng cường biện pháp chống đại dịch Covid-19, Philippines "phong tỏa" thủ đô Manila

Hoàng Linh| 12/03/2020 21:31

(HNMO) - Đến cuối ngày 12-3, thế giới đã ghi nhận 127.769 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 4.716 người tử vong, 68.327 người hồi phục.

 Ấn Độ đã siết chặt các biện pháp phòng dịch

Trong diễn biến mới nhất liên quan đến tình hình dịch Covid-19, ngày 12-3, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố ngừng hoạt động đi lại bằng đường không, đường biển và đường bộ nội địa đến và đi từ thủ đô Manila, cũng như yêu cầu triển khai các biện pháp cách ly cộng đồng, mà ông gọi là "phong tỏa" thủ đô để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Tổng thống Duterte đã thông qua sắc lệnh cho phép thực thi một loạt biện pháp hạn chế, trong đó có lệnh cấm tụ tập đông người, đóng cửa các trường học trong một tháng và cách ly các khu dân cư phát hiện trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 cũng như ngừng hoạt động vào ra thủ đô Manila. Động thái trên diễn ra sau khi Philippines hôm 7-3 công bố trường hợp SARS-CoV-2 đầu tiên lây nhiễm trong nước. Đến nay, nước này đã ghi nhận 2 ca tử vong do COVID-19 và 53 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.

Trước đó, sau động thái của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, trong phát biểu ngày 12-3 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cấm du khách từ châu Âu nhập cảnh, ngoại trừ Anh, trong 1 tháng bắt đầu từ ngày 13-3.

Ấn Độ cũng thông báo đình chỉ các loại thị thực du lịch sau khi WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 13-3, tính theo địa điểm khởi hành và kéo dài đến ngày 15-4. Những đối tượng được miễn trừ là những người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ, tổ chức quốc tế và những người có thị thực làm việc hoặc dự án.

Ngoài ra, Ấn Độ sẽ cách ly tối thiểu 14 ngày đối với các du khách tới từ hoặc từng đi qua 7 quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch gồm Trung Quốc, Italia, Iran, Hàn Quốc, Pháp, Tây Ban Nha và Đức sau ngày 15-2.

Tại Hàn Quốc, Ủy ban Phòng chống tai nạn và quản lý an toàn trung ương Hàn Quốc sẽ áp dụng quy trình nhập cảnh đặc biệt đối với những người đến từ Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Anh và Hà Lan, bắt đầu từ 0h ngày 15-3. Quy trình này cũng áp dụng với những người đến Hàn Quốc từ châu Âu, qua Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) và Mátxcơva (Nga).

Cũng trong ngày 12-3, Chính phủ Australia tuyên bố gia hạn lệnh cấm nhập cảnh thêm một tuần nữa đối với những người đến từ Italia, Hàn Quốc, Iran và Trung Quốc.

Cùng ngày, Thái Lan yêu cầu tất cả khách nước ngoài tới nước này phải cung cấp thông tin liên hệ cá nhân thông qua một ứng dụng trên điện thoại di động do Tổng công ty Cảng hàng không Thái Lan phát triển. Đối với công dân Thái Lan, những người trở về từ các nước có nguy cơ cao cũng phải cung cấp thông tin qua ứng dụng trên.

Ứng phó với dịch Covid-19 đang lây lan nhanh, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte thông báo cấm tất cả các hoạt động thương mại, trừ các hiệu thuốc và cửa hàng thực phẩm. Các dịch vụ công cộng thiết yếu vẫn được bảo đảm, bao gồm vận tải, ngân hàng, bưu điện, tài chính, bảo hiểm...

Trước đó, khi lý giải về việc gọi Covid-19 là đại dịch toàn cầu, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, việc này không làm thay đổi đánh giá của WHO về mối đe dọa do vi rút SARS-CoV-2 gây ra.

Theo WHO, một dịch bệnh trở thành đại dịch toàn cầu không có nghĩa là dịch bệnh đó khiến nhiều người tử vong hơn các dịch bệnh khác. Việc tuyên bố đại dịch cũng không phải do sự thay đổi về đặc tính của bản thân vi rút hay nguyên nhân gây ra dịch bệnh. Thay vào đó, tên gọi "đại dịch" liên quan đến việc một dịch bệnh lây lan như thế nào nhiều hơn.

WHO xác định "đại dịch toàn cầu" là "sự lây lan trên toàn thế giới của một dịch bệnh mới". Đây là bước cuối cùng khi đánh giá sự lan rộng của một dịch bệnh truyền nhiễm từ cấp độ địa phương lan ra toàn cầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các quốc gia tăng cường biện pháp chống đại dịch Covid-19, Philippines "phong tỏa" thủ đô Manila

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.