(HNM) - Ngay sau khi Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) ra phán quyết liên quan đến vụ Philippines kiện Trung Quốc về những vấn đề trên Biển Đông, Trung Quốc đã lập tức tuyên bố tái khẳng định lập trường bác bỏ phán quyết của tổ chức pháp lý được thế giới thừa nhận này.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Hànộimới, Giáo sư Erik Franckx, Trưởng khoa Luật quốc tế và Châu Âu, Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế Vrije Universiteit (Brussel, Bỉ) đã nhấn mạnh về tính pháp lý và việc thực thi phán quyết này.
Giáo sư Erik Franckx. |
Theo đuổi quan điểm không công nhận phán quyết, điều rất được quan tâm là chuyện gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài? Tôi cho rằng, ngay từ đầu Trung Quốc đã không thừa nhận thẩm quyền của Tòa trọng tài và nhiều lần khẳng định sẽ không chấp nhận phán quyết mà Tòa đưa ra.
Điều tôi muốn nói ở đây là nếu như một quốc gia với vai trò là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà lại không tuân thủ theo phán quyết đưa ra bởi một tòa án mà nước này đã công nhận thẩm quyền khi ký UNCLOS 1982 thì sẽ là một dấu hiệu xấu đối với gần 200 thành viên trong cộng đồng quốc tế. Nếu như bạn không tôn trọng luật pháp quốc tế thì làm sao bạn có thể chứng minh bạn là một thành viên đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế? Mỹ cũng đã từng có hành động tương tự trong vụ Nicaragua. Nước này cũng tuyên bố sẽ không tham dự phiên tòa cũng như không tôn trọng phán quyết của tòa. Trong thời gian đầu đúng là Mỹ đã hành động như vậy. Nhưng như chúng ta cũng đã thấy, sau đó Washington đã nỗ lực đàm phán với Chính phủ Nicaragua và dàn xếp tranh chấp thông qua Tòa án Công lý quốc tế (ICJ). Do vậy, dù cho Trung Quốc có thể hiện là nước này sẽ không bị ảnh hưởng bởi phán quyết của Tòa trọng tài, thì trên thực tế phía Trung Quốc sẽ rất khó khăn để phớt lờ phán quyết này.
Về các cơ chế để xử lý trường hợp các quốc gia không thực thi, quả thật, UNCLOS không có lực lượng giám sát thực thi các phán quyết mà Tòa trọng tài đưa ra như ICJ có Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giám sát việc thực hiện phán quyết. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu rằng luật quốc tế hoạt động dựa trên sự bình đẳng của các bên với 200 thành viên của cộng đồng quốc tế. Mỗi quốc gia lại có chủ quyền và các quyền bình đẳng như nhau. Giờ đây, khi liên kết giữa các quốc gia là vô cùng chặt chẽ và trên nhiều phương diện thì rất dễ dàng để khiến các nước phải cư xử đúng mực thông qua các mối liên kết này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.