(HNM) - Câu chuyện mấy tập đoàn kinh tế lớn đồng loạt kêu lỗ do chênh lệch tỷ giá và đề nghị tính khoản này vào giá bán sản phẩm một lần nữa lại làm
Theo lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản (TKV), chênh lệch tỷ giá đã làm phát sinh khoản lỗ 1.200 tỷ đồng cho tập đoàn này. Do vậy, TKV kiến nghị Bộ Công thương xem xét cho tính khoản chênh lệch tỷ giá này vào giá thành điện. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng cho biết, chênh lệch tỷ giá ảnh hưởng rất lớn đến chỉ tiêu tài chính của PVN. Và với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chênh lệch tỷ giá ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng. Theo một vị lãnh đạo EVN, nếu cộng tất cả các con số mà TKV và PVN đưa ra trong lĩnh vực điện, khoản phát sinh lỗ do tỷ giá có thể gấp hơn 10 lần con số 1.200 tỷ đồng do TKV thống kê.
Diễn biến tiêu cực từ tỷ giá đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn nêu trên là có thật, nhưng không thể vì thế mà phải bù đắp giá thành sản xuất điện để bảo đảm tình hình tài chính cho các "ông lớn" này.
Có người cho rằng: Việc doanh nghiệp kêu lỗ hàng nghìn tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá chỉ là phiến diện. Bởi lẽ doanh nghiệp vay ngoại tệ với lãi suất thấp, chỉ 5%/năm, trong khi đó, lãi suất vay tiền đồng bình quân 10%/năm. Phần chênh lệch lãi suất tiền đồng và USD đã được doanh nghiệp tính vào lợi nhuận các năm. Nay giá trị phải trả cho việc vay ngoại tệ tăng lên, doanh nghiệp lại kêu lỗ. Cũng có người nói: Lỗ về tỷ giá không phải chuyện mới và một câu chuyện cũng không mới - cách xử lý lỗ của một số tập đoàn vẫn là... tăng giá bán.
Như vậy, phần nào có thể thấy tư duy làm ăn của các "ông lớn" vẫn lăn theo "quán tính" bao cấp và đang tồn tại rất nhiều vấn đề. Thay vì đánh giá một cách tổng thể tác động của việc điều chỉnh tỷ giá, những trụ cột của nền kinh tế lại khẩn trương báo cáo khó khăn và... xin tăng giá bán. Cách "cắt lỗ" mang đậm "chất" độc quyền này không chỉ làm méo mó hình ảnh những "quả đấm thép" mà rất có thể sẽ tạo ra nhiều hệ lụy trong xã hội.
Tăng giá điện bán lẻ ở thời điểm này là cả vấn đề. Bởi lẽ, điện là mặt hàng thiết yếu, trong bối cảnh thực tại của nền kinh tế, nếu điều chỉnh tăng lập tức sẽ tác động mạnh mẽ đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Và một vấn đề nữa, việc điều chỉnh tỷ giá không chỉ ảnh hưởng đến các "ông lớn" như TKV, PVN, EVN mà còn tác động tiêu cực tới hầu hết doanh nghiệp trong cả nước và đời sống người dân. Vậy, tại sao các trụ cột của nền kinh tế lại "bắt" những doanh nghiệp nhỏ hơn và người tiêu dùng phải "cõng" họ trên vai?
Các tập đoàn cần tính toán chính xác tỷ giá tác động đến việc tăng chi phí thế nào và nữa, cần thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội. Giá điện có tăng hay không, chắc chắn Bộ Công thương sẽ có ý kiến và báo cáo Thủ tướng, nhưng như trên đã nói, tăng giá điện bán lẻ ở thời điểm này quả thật là vấn đề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.