Các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đang do dự về việc có nên ủng hộ việc áp thêm thuế đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất hay không, làm nổi bật thách thức của Brussels trong việc kêu gọi sự ủng hộ cho vụ kiện thương mại lớn nhất từ trước đến nay.
Đức, quốc gia có các hãng sản xuất ô tô đạt 1/3 doanh số bán hàng vào năm ngoái tại Trung Quốc, muốn dừng áp thuế, trong khi Pháp là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất. Nhưng theo một cuộc thăm dò không chính thức của Reuters đối với các chính phủ EU, phần lớn các quốc gia vẫn đang cân nhắc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đang leo thang.
Vấn đề này sẽ được đưa ra cho các thành viên trong cuộc bỏ phiếu tư vấn vào những tuần tới, như một phép thử chính thức đầu tiên về sự ủng hộ trong một vụ kiện mang tính bước ngoặt đối với Ủy ban châu Âu (EC).
Ngày mai (4-7), EU sẽ xác nhận mức thuế tạm thời lên tới 37,6% đối với các thương hiệu Trung Quốc như BYD, Geely và SAIC, cũng như trên các mẫu xe Tesla do Trung Quốc sản xuất. EU đã mở một cuộc điều tra về các khoản trợ cấp mà Bắc Kinh dành cho các nhà sản xuất xe điện trong nước vì lo ngại các khoản trợ cấp này gây tổn hại tới sức cạnh tranh của các công ty châu Âu. Các thành viên EU cũng sẽ bỏ phiếu vào tháng 10 nếu EC đề xuất áp dụng mức thuế cao hơn mức tiêu chuẩn 10% của EU đối với ô tô trước khi kết thúc cuộc điều tra.
Những điều này sẽ bị chặn nếu ít nhất 15 quốc gia đại diện cho 65% dân số EU bỏ phiếu chống.
Pháp, Italia và Tây Ban Nha, chiếm 40% dân số EU, đã tuyên bố họ sẽ ủng hộ thuế quan. Tuy nhiên, Cộng hòa Séc, Hy Lạp, Ireland và Ba Lan vẫn đang tranh luận về vấn đề này trong khi Đức nhấn mạnh nhu cầu đàm phán giải pháp với Bắc Kinh. Các nhà sản xuất ô tô của nước này cho biết thuế quan là cách tiếp cận sai lầm, với những tác động tiêu cực lớn hơn bất kỳ lợi ích nào...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.