Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các nước châu Á khởi động lại đón khách du lịch quốc tế: “Cú hích” cho tăng trưởng kinh tế

Thùy Dương| 20/02/2022 06:54

(HNM) - Dù đại dịch Covid-19 với biến chủng Omicron còn diễn biến phức tạp, nhưng các nước châu Á đang đẩy nhanh kế hoạch khởi động lại việc đón khách du lịch quốc tế. Các chuyên gia dự đoán việc nhiều quốc gia dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nhập cảnh sẽ giúp ngành "công nghiệp không khói" phục hồi, phát triển sau hơn hai năm bị ảnh hưởng trầm trọng bởi dịch Covid-19. Đây sẽ là "cú hích" cho tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực.

Một du khách nước ngoài đeo khẩu trang tại sân bay quốc tế Ninoy Aquino, Philippines, ngày 10-2.

Đóng cửa biên giới là cách chống lại Covid-19 của nhiều quốc gia. Khi biến chủng Omicron lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 11-2021, chính phủ nhiều nước châu Á đã tạm dừng kế hoạch mở cửa trở lại, đóng băng hoạt động đón khách du lịch quốc tế. Du khách quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã giảm 93% so với mức trước đại dịch vào năm 2021. Trong khi Mỹ và châu Âu đã nới lỏng các hạn chế và nhu cầu du lịch tăng trở lại, châu Á đang bị tụt lại phía sau.

Tuy nhiên, gần đây, một số quốc gia châu Á, nhất là tại Đông Nam Á, đã thông báo rằng sẽ tiếp nhận các hành khách quốc tế chỉ cần tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầy đủ và không phải cách ly. Philippines mở cửa trở lại biên giới cho du khách nước ngoài đã được tiêm phòng từ hôm 10-2, trong khi Singapore đã bổ sung thêm nhiều quốc gia vào thỏa thuận du lịch không có quy định cách ly của mình. Còn tại Malaysia, các nhà quản lý ngành Du lịch nước này cũng đã đề nghị chính phủ mở cửa trở lại cho du khách quốc tế, sớm nhất là vào ngày 1-3 tới. Theo đó, du khách có thể không phải cách ly khi nhập cảnh Malaysia.

Giám đốc cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Công ty Du lịch trực tuyến Skyscanner, Paul Whiteway cho biết: "Từ dấu ấn toàn cầu của Skyscanner, chúng tôi thấy rằng khi các hạn chế giảm bớt, khách du lịch sẵn sàng thích ứng với các biện pháp mới để có thể đi du lịch quốc tế một lần nữa". 

Theo kênh tin tức Channel NewsAsia, Philippines đã chào đón hơn 200 khách du lịch nước ngoài trở lại vào hôm 10-2, trong đó chủ yếu là khách đến từ Mỹ và Trung Quốc, trong nỗ lực hồi sinh ngành Du lịch. Khách du lịch chỉ cần xuất trình giấy chứng nhận tiêm phòng vắc xin và không cần phải cách ly y tế. Philippines từng đón 8,2 triệu du khách quốc tế vào năm 2019, trước khi xảy ra dịch Covid-19. Hiện nay, số ca nhiễm Covid-19 của quốc gia này giảm mạnh, trong khi hơn một nửa trong số 110 triệu dân đã được tiêm chủng đầy đủ. 

Giám đốc điều hành của Intrepid Travel (Australia) Zina Bencheikh nhận định rằng, nhu cầu du lịch ở Đông Nam Á đang tăng trở lại khi Intrepid Travel ghi nhận tháng 1-2022 là tháng bận rộn nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch. "Trước đại dịch, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam liên tục nằm trong số những điểm đến bán chạy nhất của chúng tôi tại Intrepid. Khu vực này cung cấp rất nhiều thứ mà du khách sau đại dịch đang tìm kiếm: Phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, đồ ăn địa phương tuyệt vời và rất nhiều cơ hội để hoạt động ngoài trời...".

Tương tự, Hostelworld (website đặt phòng hostel lớn nhất thế giới) đang chứng kiến sự tăng trưởng về lượng đặt phòng ở Đông Nam Á trong hai tháng qua. Người phát ngôn của Hostelworld cho biết: “Với việc ngày càng nhiều khách du lịch đến Thái Lan và Campuchia để bắt đầu những kỳ nghỉ thú vị, chúng tôi dự đoán rằng Việt Nam cũng sẽ chứng kiến sự tăng trưởng ổn định về lượng đặt phòng nhờ kế hoạch mở cửa trở lại”.

Châu Á là khu vực áp dụng biện pháp để kiểm soát dịch Covid-19 nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới, nhưng cuối cùng nhiều quốc gia châu Á cũng đã mở cửa trở lại vì người dân đang có nhu cầu cao về đi lại, du lịch. Và ngành Du lịch cần hồi sinh mạnh mẽ, vì đây là động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các nước châu Á khởi động lại đón khách du lịch quốc tế: “Cú hích” cho tăng trưởng kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.